Theo quy định tại khoản 2 Điều 109 BLTTHS năm 2015 có 05 trường hợp bắt người, gồm: bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp; bắt người phạm tội quả tang; bắt người đang bị truy nã; bắt bị can, bị cáo để tạm giam và bắt người bị yêu cầu dẫn độ.
1. Bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp là biện pháp ngăn chặn mà người có thẩm quyền áp dụng trong thời hạn 12 giờ kể từ khi giữ người trong trường hợp khẩn cấp hoặc nhận người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp. Những người sau đây có quyền ra lệnh bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp:
+ Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra các cấp.
+ Thủ trưởng đơn vị độc lập cấp trung đoàn và tương đương, Đồn trưởng Đồn biên phòng, Chỉ huy trưởng Biên phòng Cửa khẩu cảng, Chỉ huy trưởng Bộ đội biên phòng tỉnh, thành phố trực truộc trung ương, Cục trưởng Cục trinh sát biên phòng Bộ đội biên phòng, Cục trưởng Cục phòng, chống ma túy và tội phạm Bộ đội biên phòng, Đoàn trưởng Đoàn đặc nhiệm phòng, chống ma túy và tội phạm Bộ đội biên phòng; Tư lệnh vùng lực lượng Cảnh sát biển, Cục trưởng Cục Nghiệp vụ và pháp luật lực lượng Cảnh sát biển, Đoàn trưởng Đoàn đặc nhiệm phòng, chống tội phạm ma túy lực lượng Cảnh sát biển; Chi cục trưởng Chi cục Kiểm ngư vùng.
2. Bắt người phạm tội quả tang là trường hợp khi phát hiện người đang thực hiện tội phạm hoặc ngay sau khi thực hiện tội phạm hoặc sau khi thực hiện tội phạm thì bị phát hiện và truy đuổi thì bất kỳ người nào cũng có quyền bắt và giải ngay người bị bắt đến cơ quan Công an, Viện kiểm sát hoặc Ủy ban nhân dân nơi gần nhất để xử lý theo quy định của pháp luật.
3. Bắt người đang bị truy nã là trường hợp phát hiện người đang bị truy nã thì bất kỳ người nào cũng có quyền bắt và giải ngay người bị bắt đến cơ quan Công an, Viện kiểm sát hoặc Ủy ban nhân dân nơi gần nhất để xử lý theo quy định của pháp luật.
4. Bắt bị can, bị cáo để tạm giam là biện pháp ngăn chặn được người có thẩm quyền áp dụng đối với bị can, bị cáo trong các trường hợp sau:
- Đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội đặc biệt nghiêm trọng, tội rất nghiêm trọng.
- Đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự tội nghiêm trọng, tội ít nghiêm trọng mà Bộ luật hình sự quy định hình phạt tù trên 02 năm khi có căn cứ xác định người đó thuộc một trong các trường hợp:
+ Đã bị áp dụng biện pháp ngăn chặn khác nhưng vi phạm.
+ Không có nơi cư trú rõ ràng hoặc không xác định được lý lịch của bị can.
+ Bỏ trốn và bị bắt theo quyết định truy nã hoặc có dấu hiệu bỏ trốn.
+ Tiếp tục phạm tội hoặc có dấu hiệu tiếp tục phạm tội.
+ Có hành vi mua chuộc, cưỡng ép, xúi giục người khác khai báo gian dối, cung cấp tài liệu sai sự thật; tiêu hủy, giả mạo chứng cứ, tài liệu, đồ vật của vụ án, tẩu tán tài sản liên quan đến vụ án; đe dọa, khống chế, trả thù người làm chứng, bị hại, người tố giác tội phạm và người thân thích của những người này.
- Đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội ít nghiêm trọng mà Bộ luật hình sự quy định hình phạt tù đến 02 năm nếu họ tiếp tục phạm tội hoặc bỏ trốn và bị bắt theo quyết định truy nã.
- Là phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi, là người già yếu, người bị bệnh nặng trong các trường hợp sau:
+ Bỏ trốn và bị bắt theo quyết định truy nã.
+ Tiếp tục phạm tội.
+ Có hành vi mua chuộc, cưỡng ép, xúi giục người khác khai báo gian dối, cung cấp tài liệu sai sự thật; tiêu hủy, giả mạo chứng cứ, tài liệu, đồ vật của vụ án, tẩu tán tài sản liên quan đến vụ án; đe dọa, khống chế, trả thù người làm chứng, bị hại, người tố giác tội phạm hoặc người thân thích của những người này.
+ Bị can, bị cáo về tội xâm phạm an ninh quốc gia và có đủ căn cứ xác định nếu không tạm giam đối với họ thì sẽ gây nguy hại đến an ninh quốc gia.
Những người sau đây có quyền ra lệnh, quyết định bắt bị can, bị cáo để tạm giam:
+ Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra các cấp. Trường hợp này, lệnh bắt phải được Viện kiểm sát cùng cấp phê chuẩn trước khi thi hành.
+ Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân (trừ VKSND cấp cao) và Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự các cấp.
+ Chánh án, Phó Chánh án Tòa án nhân dân và Chánh án, Phó Chánh án Tòa án quân sự các cấp; Hội đồng xét xử.
5. Bắt tạm giam người bị yêu cầu dẫn độ là biện pháp ngăn chặn do người có thẩm quyền áp dụng đối với người bị yêu cầu dẫn độ để bảo đảm cho việc xem xét yêu cầu dẫn độ hoặc thi hành quyết định dẫn độ của cơ quan có thẩm quyền nước ngoài đối với người có hành vi phạm tội hoặc bị kết án hình sự mà bản án đã có hiệu lực pháp luật đang ở trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Những người sau đây có quyền áp dụng biện pháp bắt tạm giam người bị yêu cầu dẫn độ:
+ Chánh án, Phó Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh.
+ Chánh án, Phó Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao.
Hồng Khoáng