Ngày 18/8/2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Pháp lệnh số 02/2022/UBTVQH15 xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng; có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/9/2022. Trang thông tin điện tử VKSND tỉnh Phú Yên tiếp tục giới thiệu những nội dung cơ bản của Pháp lệnh này.
Hành vi cố ý không có mặt theo giấy triệu tập của Tòa án
Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với người làm chứng, người phiên dịch, người giám định đã được Tòa án triệu tập hợp lệ nhưng cố ý không đến Tòa án hoặc không có mặt tại phiên tòa, phiên họp mà không có lý do chính đáng và nếu sự vắng mặt của họ gây trở ngại cho hoạt động tố tụng của Tòa án.
Hành vi cản trở đại diện của cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân tham gia tố tụng theo yêu cầu của Tòa án
1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi đe dọa, hành hung hoặc lợi dụng sự lệ thuộc nhằm cản trở đại diện của cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân tham gia tố tụng theo yêu cầu của Tòa án.
2. Hình thức xử phạt bổ sung:
Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với hành vi quy định tại khoản 1 Điều này.
Hành vi cản trở hoạt động xác minh, thu thập chứng cứ của cơ quan, người có thẩm quyền
1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Không thực hiện yêu cầu của Tòa án, Viện kiểm sát về việc cung cấp tài liệu, chứng cứ mà người đó đang quản lý, lưu giữ;
b) Người làm chứng khai báo gian dối hoặc cung cấp tài liệu sai sự thật khi làm chứng;
c) Người làm chứng từ chối khai báo, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 78 của Bộ luật Tố tụng dân sự và điểm c khoản 2 Điều 62 của Luật Tố tụng hành chính.
2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Làm giả hoặc hủy hoại chứng cứ quan trọng gây trở ngại cho việc giải quyết vụ án, vụ việc của Tòa án;
b) Không cử người tham gia Hội đồng định giá theo yêu cầu của Tòa án mà không có lý do chính đáng;
c) Người giám định từ chối cung cấp tài liệu mà không có lý do chính đáng.
3. Phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Lừa dối, đe dọa, mua chuộc, cưỡng ép hoặc sử dụng vũ lực nhằm ngăn cản người làm chứng ra làm chứng hoặc buộc người khác ra làm chứng gian dối, trừ trường hợp quy định tại khoản 5 Điều này;
b) Đe dọa, sử dụng vũ lực, gây mất trật tự hoặc có hành vi khác cản trở người có thẩm quyền tiến hành xem xét, thẩm định tại chỗ, quyết định định giá, quyết định trưng cầu giám định hoặc thực hiện các biện pháp xác minh, thu thập chứng cứ khác theo quy định của pháp luật;
c) Người giám định từ chối kết luận giám định mà không có lý do chính đáng;
d) Không tham gia thực hiện nhiệm vụ của Hội đồng định giá mà không có lý do chính đáng.
4. Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Lừa dối, đe dọa, mua chuộc, cưỡng ép hoặc sử dụng vũ lực nhằm ngăn cản người phiên dịch thực hiện nhiệm vụ hoặc buộc người phiên dịch dịch không trung thực, không khách quan, không đúng nghĩa;
b) Lừa dối, đe dọa, mua chuộc, cưỡng ép hoặc sử dụng vũ lực nhằm ngăn cản người giám định thực hiện nhiệm vụ hoặc buộc người giám định kết luận sai với sự thật khách quan;
c) Người giám định kết luận giám định sai sự thật;
d) Người phiên dịch cố ý dịch sai sự thật.
5. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với luật sư thực hiện hành vi quy định tại điểm a khoản 3 Điều này.
6. Hình thức xử phạt bổ sung:
Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với hành vi quy định tại điểm a khoản 2, điểm a và điểm b khoản 3, điểm a và điểm b khoản 4 và khoản 5 Điều này.
Hành vi cản trở việc cấp, giao, nhận, tống đạt, thông báo văn bản tố tụng của Tòa án
1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Không thực hiện việc cấp, giao, tống đạt hoặc thông báo văn bản tố tụng của Tòa án theo yêu cầu của Tòa án mà không có lý do chính đáng;
b) Ngăn cản việc cấp, giao, nhận, tống đạt hoặc thông báo văn bản tố tụng của Tòa án.
2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Hủy hoại văn bản tố tụng của Tòa án mà mình được giao để cấp, tống đạt hoặc thông báo theo yêu cầu của Tòa án;
b) Giả mạo kết quả thực hiện việc tống đạt hoặc thông báo văn bản tố tụng của Tòa án mà mình được giao thực hiện.
3. Hình thức xử phạt bổ sung:
Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với hành vi quy định tại khoản 2 Điều này.
4. Thừa phát lại tống đạt giấy tờ, hồ sơ, tài liệu theo yêu cầu của Tòa án không đúng quy định thì bị xử phạt theo quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp.
Hành vi can thiệp vào việc giải quyết vụ án, vụ việc
1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với người nào bằng ảnh hưởng của mình có hành vi tác động dưới bất kỳ hình thức nào với Thẩm phán, thành viên Hội đồng xét xử nhằm làm cho việc giải quyết vụ án, vụ việc không khách quan, không đúng pháp luật.
2. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với người nào lợi dụng quan hệ lệ thuộc để thực hiện hành vi quy định tại khoản 1 Điều này.
3. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn để thực hiện hành vi quy định tại khoản 1 Điều này.
Hành vi xúc phạm, xâm hại đến sự tôn nghiêm, uy tín của Tòa án; xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín, xâm hại sức khỏe của người có thẩm quyền hoặc những người khác thực hiện nhiệm vụ theo yêu cầu của Tòa án
1. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này:
a) Xúc phạm, xâm hại đến sự tôn nghiêm, uy tín của Tòa án;
b) Xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có thẩm quyền hoặc những người khác thực hiện nhiệm vụ theo yêu cầu của Tòa án.
2. Phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi đe dọa, sử dụng vũ lực hoặc có hành vi khác xâm hại sức khỏe của người có thẩm quyền hoặc những người khác thực hiện nhiệm vụ theo yêu cầu của Tòa án, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều này.
3. Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với luật sư thực hiện hành vi quy định tại khoản 1 Điều này.
Trường hợp hành vi vi phạm của luật sư đến mức phải áp dụng hình thức xử phạt tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề luật sư hoặc giấy phép hành nghề luật sư tại Việt Nam có thời hạn theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính thì việc xử phạt được áp dụng theo quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp.
4. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với luật sư thực hiện hành vi quy định tại khoản 2 Điều này.
5. Hình thức xử phạt bổ sung:
Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với hành vi quy định tại các khoản 1, 2, 3 và 4 Điều này…(còn nữa).
GIANG HÀ