Dự án Bộ luật tố tụng hình sự (sửa đổi) được Quốc hội giao cho VKSND tối cao xây dựng. Quá trình xây dựng, VKSND tối cao đã tiến hành công phu, nghiêm túc, khoa học với nhiều hoạt động như thành lập Ban soạn thảo, Tổ biên tập, Tổ chuyên gia và tổ chức nhiều hoạt động của Ban soạn thảo; tổng kết thực tiễn 10 năm thi hành BLTTHS năm 2003 tại 10 bộ, ngành hữu quan với nhiều hình thức; nghiên cứu các văn kiện, nghị quyết của Đảng, Hiến pháp năm 2013 về cải cách tư pháp nói chung và cải cách trong lĩnh vực tố tụng hình sự nói riêng; rà soát các văn bản pháp luật, các điều ước quốc tế liên quan đến tố tụng hình sự; nghiên cứu nhiều đề án, đề tài khoa học cấp Nhà nước, cấp Bộ phục vụ xây dựng Dự án Bộ luật; tổ chức nhiều hội thảo, tọa đàm trong nước và quốc tế. Trong đó có 63 Hội nghị liên ngành tư pháp ở địa phương góp ý cho dự án Bộ luật; gửi Dự thảo Bộ luật tố tụng hình sự tới 10 bộ, ngành hữu quan để tổ chức lấy ý kiến trong toàn hệ thống, xin ý kiến Chính phủ và các bộ, ngành; báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Tư pháp và tiếp thu, hoàn chình dự án Bộ luật…
Qua nghiên cứu Dự án Bộ luật tố tụng hình sự (sửa đổi); chúng tôi có một số ý kiến góp ý như sau:
1. Về nguyên tắc xử lý theo hướng có lợi cho người bị buộc tội
- Tại Điều 13 Dự thảo BLTTHS (nguyên tắc suy đoán vô tội) mới chỉ giải quyết trường hợp: Khi không đủ và không thể làm sáng tỏ căn cứ để buộc tội, kết tội thì cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải kết luận người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo không có tội. Chưa giải quyết trường hợp không đủ căn cứ để buộc tội, kết tội người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo về một tội nặng hơn hoặc quyết định mức phải bồi thường thiệt hại cao hơn.
Xử lý theo hướng có lợi cho người bị buộc tội trong trường hợp không xác định được đầy đủ chứng cứ là nguyên tắc tư pháp tiến bộ, được Luật tố tụng hình sự các nước ghi nhận. Ở nước ta, mặc dù BLTTHS hiện hành chưa ghi nhận nhưng quá trình điều tra, truy tố, xét xử đều thực hiện tinh thần của nguyên tắc này.
Trên cơ sở đó, chúng tôi đề nghị bổ sung nội dung này vào nguyên tắc trách nhiệm khởi tố và xử lý vụ án hình sự (Điều 18) như sau:
“Điều 18: Trách nhiệm khởi tố và xử lý vụ án hình sự
Khi phát hiện hành vi có dấu hiệu tội phạm thì Cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm khởi tố vụ án, áp dụng các biện pháp do Bộ luật này quy định để xác định tội phạm và xử lý người phạm tội.
Trong quá trình giải quyết vụ án hình sự, nếu không đủ căn cứ để buộc tội, kết tội người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo về một tội nặng hơn hoặc quyết định mức họ phải bồi thường thiệt hại cao hơn theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định thì cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải áp dụng quy định của luật để xử lý theo hướng có lợi cho họ”
2. Về bổ sung các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra (Điều 25)
Thời gian qua, tình hình tội phạm xảy ra trên biển ngày càng có xu hướng diễn biến phức tạp, trong khi đó Cơ quan điều tra chuyên trách gặp nhiều khó khăn trong phát hiện và xử lý các tội phạm này do khoảng cách địa lý cũng như thiếu các phương tiện chuyên dụng để tiếp cận địa bàn phạm tội. Nhằm tăng khả năng đấu tranh với tội phạm, đồng thời, góp phần khẳng định chủ quyền biển đảo từ phương diện hoạt động tư pháp, đề nghị bổ sung cơ quan Kiểm ngư được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra.
3. Về quyền của người bị bắt, bị tạm giữ, bị can, bị cáo không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội (các Điều 57, 58, 59, 60)
* Dự thảo Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu 02 phương án:
- Phương án 1: “Người bị bắt, bị tạm giữ, bị can, bị cáo có quyền trình bày lời khai, đưa ra ý kiến, không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội”.
-Phương án 2: “Người bị bắt, bị tạm giữ, bị can, bị cáo có quyền trình bày lời khai, đưa ra ý kiến, không bị ép buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc bị ép buộc phải nhận mình có tội”.
Dự thảo BLTTHS (tại các Điều 57, 58, 59, 60) thể hiện theo phương án 1.
Chúng tôi đồng tình với phương án 1 vì các lý do sau đây:
- Thứ nhất, “không buộc” nghĩa là bản thân người bị bắt, bị tạm giữ, bị can, bị cáo không có nghĩa vụ đưa ra lời khai hoặc chứng cứ chống lại chính họ. Chính vì người bị bắt, bị tạm giữ, bị can, bị cáo không có nghĩa vụ đưa ra lời khai, chứng cứ chống lại mình nên pháp luật hình sự của các nước đều không quy định trách nhiệm hình sự đối với hành vi từ chối khai báo của những người này; đồng thời, không coi đây là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự khi xét xử, quyết định hình phạt.
-Thứ hai, nếu quy định “không bị ép buộc” nghĩa là các cơ quan tố tụng không được ép buộc người bị bắt, bị tạm giữ, bị can, bị cáo đưa ra chứng cứ. Quy định như vậy là điều cấm đối với các cơ quan tố tụng chứ không phải là quyền của người bị bắt, bị tạm giữ, bị can, bị cáo. Mặt khác, quy định như phương án 2 còn có thể dẫn đến cách hiểu việc này thì “không bị ép buộc”, còn việc khác thì “được ép buộc”.
4. Về quyền của bị can đọc, ghi chép tài liệu trong hồ sơ vụ án (Điều 59)
* Quá trình thảo luận có 02 loại ý kiến:
- Đa số đại biểu Quốc hội nhất trí với Dự thảo: (1) Về điều kiện đọc: chỉ khi bị can không có người bào chữa và có yêu cầu được đọc tài liệu; (2) Về thời điểm đọc: là sau khi kết thúc điều tra; (3) Về phạm vi đọc: những tài liệu liên quan đến việc buộc tội họ; (4) Về cách thức đọc: đọc trên bản sao hoặc tài liệu đa được số hóa trên máy tính.
- Một số đại biểu Quốc hội đề nghị: Về thời điểm đọc và cách thức đọc nhất trí với ý kiến của đa số, tuy nhiên: (1) Về điều kiện đọc: trong mọi trường hợp, kể cả trường hợp bị can nhờ hoặc không nhờ người bào chữa; (2) Về phạm vi đọc: gồm cả tài liệu liên quan đến việc buộc tội, gỡ tội hoặc tài liệu khác khi có yêu cầu.
Do đó, chúng tôi đề nghị:
- Thứ nhất, theo quy định tại Điều 58 BLTTHS hiện hành và Điều 119 Dự thảo, người bảo chữa có quyền “đọc, ghi chép và sao chụp những tài liệu trong hồ sơ vụ án liên quan đến việc bào chữa kể từ khi kết thúc điều tra”. Do đó, đối với những vụ án bị can đã nhờ người bào chữa thì bị can hoàn toàn có thể có được đầy đủ, kịp thời những thông tin, tài liệu trong hồ sơ vụ án do người bào chữa cung cấp. Để giúp các cơ quan tố tụng tập trung phát hiện, khám phá vụ án; đề cao trách nhiệm của người bào chữa, đề nghị chỉ quy định bị can trực tiếp đọc bản sao tài liệu vụ án trong trường hợp họ không có người bào chữa.
- Thứ hai, về phạm vi tài liệu được đọc, quy định như Điều 59 dự thảo: “bị can được đọc, ghi chép các tài liệu liên quan đến việc buộc tội, gỡ tội hoặc tài liệu khác”, nghĩa là có thể yêu cầu đọc toàn bộ hồ sơ vụ án. Trên thực tế, có những vụ án phức tạp, nhiều tài liệu, có tài liệu chỉ liên quan đến bị can này mà không liên quan đến bị can khác. Quy định như Dự thảo là chưa chặt chẽ, dễ bị lạm dụng. Bị can có thể gây khó khăn cho các cơ quan tố tụng thông qua việc lợi dụng quyền này và nếu cơ quan tố tụng không đáp ứng yêu cầu thì bị coi là “vi phạm quyền con người”. Để đồng bộ với quy định về quyền đọc tài liệu của người bào chữa, đề nghị quy định quyền đọc tài liệu của bị can như sau: “đọc, ghi chép bản sao hoặc tài liệu đã được số hóa trong hồ sơ vụ án liên quan đến việc bào chữa”.
5. Về trường hợp bắt buộc chỉ định người bào chữa (Điều 121)
* Dự thảo Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu 02 phương án:
Phương án 1: Bắt buộc chỉ định người bào chữa đối với “bị can, bị cáo về tội mà Bộ luật hình sự quy định hình phạt tù chung thân, tử hình”
Phương án 2: Bắt buộc chỉ định người bào chữa đối với “bị can, bị cáo về tội mà Bộ luật hình sự quy định mức cao nhất của khung hình phạt là 15 năm tù trở lên, tù chung thân, tử hình”.
Chúng tôi đồng tình với phương án 2 vì:
- Thứ nhất, phù hợp với yêu cầu của cải cách tư pháp, Hiến pháp năm 2013, thể hiện chính sách nhân đạo của Nhà nước ta hỗ trợ những người không có điều kiện nhờ luật sư bào chữa.
- Thứ hai, nếu chỉ mở rộng trường hợp bắt buộc chỉ định người bào chữa như phương án 1: “hình phạt tù đến chung thân” thay cho quy định hiện hành “hình phạt tử hình” thì sẽ không giảm được nhiều trên thực tế vì Dự thảo Bộ luật hình sự đang sửa đổi theo hướng giảm tối đa các tội có quy định hình phạt tử hình, đồng thời, bổ sung các trường hợp mặc dù Bộ luật hình sự quy định hình phạt tử hình nhưng sẽ không áp dụng hoặc không thi hành (Ví dụ: người phạm tội đã khắc phục cơ bản hậu quả của tội phạm và phối hợp tích cực với các cơ quan tố tụng; người phạm tội lập công lớn; người phạm tội từ 75 tuổi trở lên tại thời điểm phạm tội hoặc tại thời điểm đưa ra xét xử...).
- Thứ ba, việc mở rộng trường hợp bắt buộc phải chỉ định người bào chữa như phương án 2 sẽ đồng bộ với quy định mới của Dự thảo về quyền của bị can đọc hồ sơ vụ án. Trong trường hợp này, người bào chữa sẽ hỗ trợ tích cực cho bị can trong việc đọc, ghi chép, sao chụp những tài liệu trong hồ sơ vụ án.
6. Về thẩm quyền truy tố (Điều 235)
* Dự thảo BLTTHS, tại Điều 235 quy định như sau:
“1.Viện kiểm sát cấp nào thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra thì Viện kiểm sát cấp đó quyết định việc truy tố. Thẩm quyền truy tố của Viện kiểm sát được xác định theo thẩm quyền xét xử của Tòa án đối với vụ án. Trường hợp vụ án không thuộc thẩm quyền truy tố của mình, Viện kiểm sát ra ngay quyết định chuyển vụ án cho Viện kiểm sát có thẩm quyền.
Đối với vụ án do Viện kiểm sát cấp trên thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra thì Viện kiểm sát cấp trên quyết định việc truy tố. Chậm nhất là hai tháng trước khi kết thúc điều tra, Viện kiểm sát cấp trên phải thông báo cho Viện kiểm sát cấp dưới cùng cấp với Tòa án có thẩm xét xử vụ án để cử Kiểm sát viên tham gia nghiên cứu hồ sơ vụ án. Ngay sau khi quyết định truy tố, Viện kiểm sát cấp trên ra quyết định phân công cho Viện kiểm sát cấp dưới thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử; sau khi nhận được hồ sơ vụ án kèm theo bản cáo trạng, Viện kiểm sát cấp dưới có thẩm quyền thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử theo đúng quy định của Bộ luật này”.
Chúng tôi nhất trí với quy định của Dự thảo vì:
- Theo quy định, những vụ án do Cơ quan điều tra cấp trung ương điều tra thì VKSND tối cao phải thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra. Tuy nhiên, do TAND tối cao không có thẩm quyền xét xử sơ thẩm nên sau khi kết thúc điều tra, VKSND tối cao không thể tiếp tục tiến hành tố tụng đối với vụ án ở giai đoạn xét xử mà phải chuyển cho VKSND cấp tỉnh tiếp tục tiến hành tố tụng.
- Theo quy định tại Điều 159 Dự thảo BLTTHS thì tới đây những vụ án thuộc thẩm quyền của Cơ quan điều tra cấp trung ương sẽ rất hạn chế, chỉ bao gồm 03 trường hợp: (1) Vụ án về tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hủy để điều tra lại; (2) Vụ án về tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp và liên quan đến nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; (3) Vụ án về tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp liên quan đến nhiều quốc gia. Quá trình điều tra, truy tố những vụ án này đòi hỏi phải có sự chỉ đạo chặt chẽ, thường xuyên của Thủ trưởng Cơ quan điều tra, Viện trưởng Viện kiểm sát; thời hạn điều tra thường kéo dài từ 1 năm - 2 năm, với hàng nghìn trang tài liệu trong hồ sơ vụ án. Do đó, nếu kết thúc điều tra, chuyển cho VKSND cấp tỉnh làm cáo trạng thì rất khó khăn cho cấp tỉnh vì phải tiếp cận vụ án từ đầu và thường bị kéo dài thời gian giải quyết.
- Để bảo đảm tính liên tục của quá trình công tố, truy tố đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, bảo đảm thời hạn tố tụng, Dự thảo quy định “Viện kiểm sát cấp trên thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra thì Viện kiểm sát cấp trên quyết định việc truy tố”. Đồng thời, để khắc phục những khó khăn trong thực tiễn thời gian qua, Dự thảo đã bổ sung quy định: “Chậm nhất là hai tháng trước khi kết thúc điều tra, Viện kiểm sát cấp trên phải thông báo cho Viện kiểm sát cấp dưới cùng cấp với Tòa án có thẩm quyền xét xử vụ án để cử Kiểm sát viên tham gia nghiên cứu hồ sơ vụ án”. Việc sửa như quy định tại Điều 235 là phù hợp, vừa bảo đảm chất lượng, thời hạn truy tố, vừa bảo đảm cho cấp dưới tham gia quá trình điều tra vụ án, nắm chắc vụ án để tranh tụng tốt tại phiên tòa.
7. Bổ sung các quy định nhằm thể chế hóa yêu cầu của Nghị quyết số49-NQ/TW “tăng cường trách nhiệm của Viện kiểm sát trong hoạt động điều tra, thực hiện cơ chế công tố gắn với điều tra”
- Theo quy định của Dự thảo BLTTHS, tới đây, trách nhiệm của Viện kiểm sát trong giai đoạn điều tra rất lớn. Cụ thể là:
+ Phải trực tiếp giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm nếu phát hiện việc giải quyết của Cơ quan điều tra có vi phạm pháp luật nghiêm trọng hoặc có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm, Điều 141.
+ Phải chủ động ra quyết định chuyển vụ án khi phát hiện việc điều tra không đúng thẩm quyền chứ không phải chờ Cơ quan điều tra đề nghị mới ra quyết định chuyển vụ án như hiện nay, Điều 165.
+ Phải trực tiếp hỏi cung khi bị can kêu oan, bị can khiếu nại hoạt động điều tra hoặc phát hiện việc điều tra vi phạm pháp luật (Điều 179) thay vì quy định “hỏi cung khi xét thấy cần thiết” như hiện hành.
+ Ngoài hai hoạt động (khám nghiệm hiện trường và khám nghiệm tử thi) như hiện hành, bổ sung thêm 4 hoạt động bắt buộc kiểm sát viên phải có mặt khi Cơ quan điều tra tiến hành điều tra, gồm: đối chất, nhận dạng, thực nghiệm điều tra, khám xét (các điều 185, 186, 187, 189, 200).
+ Phải phê chuẩn việc áp dụng các biện pháp hạn chế quyền con người, quyền công dân trong giai đoạn giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố và điều tra vụ án hình sự; Viện kiểm sát phải chịu trách nhiệm về những oan, sai thuộc phạm vi thẩm quyền phê chuẩn.
Để VKS thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được Hiến pháp và Luật giao, quyết định việc truy tố, buộc tội, phê chuẩn các biện pháp tố tụng chính xác, đúng pháp luật, bảo đảm quyền con người, quyền công dân, đề nghị Dự án Bộ luật tố tụng hình sự (sửa đổi) bổ sung các quy định nhằm thể chế hóa yêu cầu của Nghị quyết số 49-NQ/TW “Tăng cường trách nhiệm của Viện kiểm sát trong hoạt động điều tra, thực hiện cơ chế công tố gắn với điều tra”…
Giang Hà