Theo Nghị quyết số 04/2019/NQ-HĐTP ngày 18/6/2019 của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao quy định về quy trình lựa chọn, công bố và áp dụng án lệ: Án lệ là những lập luận, phán quyết trong bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án về một vụ việc cụ thể được Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao lựa chọn và được Chánh án TAND tối cao công bố là án lệ để các Tòa án nghiên cứu, áp dụng trong xét xử. Khi xét xử, Thẩm phán, Hội thẩm phải nghiên cứu, áp dụng án lệ, bảo đảm những vụ việc có tình huống pháp lý tương tự thì phải được giải quyết như nhau. Trường hợp vụ việc có tình huống pháp lý tương tự nhưng Tòa án không áp dụng án lệ thì phải nêu rõ lý do trong bản án, quyết định của Tòa án. Trường hợp Tòa án áp dụng án lệ để giải quyết vụ việc thì số, tên án lệ, tình huống pháp lý, giải pháp pháp lý trong án lệ và tình huống pháp lý của vụ việc đang được giải quyết phải được viện dẫn, phân tích trong phần “Nhận định của Tòa án”; tùy từng trường hợp cụ thể có thể trích dẫn toàn bộ hoặc một phần nội dung của án lệ để làm rõ quan điểm của Tòa án trong việc xét xử, giải quyết vụ việc tương tự...
Đến nay, Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao đã công bố 63 án lệ về các loại án, vụ việc về hình sự, dân sự, hôn nhân và gia đình, hành chính…Qua đó, giúp cho việc giải quyết các vụ án, vụ việc kịp thời, chính xác, bảo đảm cho pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất, góp phần quan trọng trong việc đấu tranh phòng, chống vi phạm, tội phạm, ổn định an ninh, trật tự và an toàn xã hội.
Trong số các án lệ đã công bố, có Án lệ số 47/2021/AL về việc xác định tội danh trong trường hợp bị cáo dùng hung khí nguy hiểm đâm vào vùng trọng yếu của cơ thể bị hại, được Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao thông qua ngày 25/11/2021 và được công bố theo Quyết định số 594/QĐ-CA ngày 31/12 /2021 của Chánh án TAND tối cao. Theo đó: Chỉ vì lời nói có tính chất thách thức, kích động mà bị cáo đã dùng dao nhọn là hung khí nguy hiểm đâm vào vùng bụng của bị hại là vùng trọng yếu trên cơ thể con người. Việc bị hại không chết là ngoài ý muốn chủ quan của bị cáo. Do đó, hành vi của bị cáo đủ yếu tố cấu thành tội “Giết người”, thuộc trường hợp phạm tội chưa đạt và có tính chất côn đồ.
Việc áp dụng Án lệ số 47/2021/AL trên thực tế đã đảm bảo xử lý nghiêm đối với người có hành vi dùng hung khí nguy hiểm tấn công vào vùng trọng yếu trên cơ thể con người theo hướng phạm tội giết người, là tội phạm đặc biệt nghiệm trọng, có khung hình phạt đến chung thân, tử hình đã góp phần ngăn chặn, răn đe giáo dục, phòng ngừa cao đối với loại tội phạm này, nhất là hiện nay việc rủ rê, tụ tập băng nhóm lôi kéo nhiều người, nhất là thanh thiếu niên sử dụng hung khí đánh, chém trả thù lẫn nhau đã và đang có chiều hướng tăng. Đồng thời, Án lệ 47/2021/AL mang tính thực tiễn cao, thường gặp nhiều trong thực tế, do đó khi đã có tình huống pháp lý tương tự thì việc áp dụng để giải quyết các vụ, việc được thuận lợi, nhanh chóng, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc khi giải quyết loại án này.
1. Những khó khăn, vướng mắc
Tuy nhiên, quá trình áp dụng Án lệ số 47/2021/AL trên thực tế đã và đang nảy sinh những khó khăn, vướng mắc. Tình huống án lệ đưa ra đó là: Bị cáo dùng dao là hung khí nguy hiểm đâm vào vùng bụng của bị hại là vùng trọng yếu của cơ thể con người. Bị hại không chết là ngoài ý muốn chủ quan của bị cáo. Hướng dẫn của án lệ như vậy còn chung chung, chưa hướng dẫn cụ thể về loại hung khí nguy hiểm, vùng trọng yếu trên cơ thể người, mức độ tổn hại sức khỏe của bị hại...Do đó, việc áp dụng Án lệ số 47/2021/AL của các Cơ quan tiến hành tố tụng thời gian qua có vụ việc còn lúng túng, quan điểm khác nhau. Nhiều vụ việc đánh giá chưa đúng tính chất, mức độ nên xác định cấu thành tội cố ý gây thương tích, không phải phạm tội giết người và ngược lại; có vụ đình chỉ vụ án sau đó phải phục hồi; nhiều vụ việc cơ quan tố tụng cấp huyện đánh giá có dấu hiệu tội giết người nên báo cáo thỉnh thị liên ngành cấp tỉnh hoặc chuyển vụ án lên cấp tỉnh, nhưng sau đó được xác định không cấu thành tội giết người...Xin nêu một số vụ việc điển hình.
Vụ thứ nhất: Khoảng 20 giờ ngày 12/5/2021, do có mâu thuẫn trong việc làm ăn với ĐVB nên HTS gọi điện thoại hẹn gặp B để nói chuyện. Sau đó, S đem theo một con dao đến gặp B hăm dọa. B cầm mũ bảo hiểm đánh lại thì S cầm ghế nhựa đánh rồi dùng dao đâm trúng vào bụng B gây thương tích tỷ lệ 07%. Ngày 20/5/2021, B có đơn yêu cầu khởi tố vụ án hình sự.
Cơ quan CSĐT Công an huyện A ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can đối với S về tội cố ý gây thương tích theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 134 BLHS. Sau đó, VKSND huyện có cáo trạng truy tố S về tội danh như đề nghị của Cơ quan CSĐT. TAND huyện mở phiên tòa xét xử, quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung đối với S về tội giết người. Ngày 06/7/2022, VKSND huyện A chuyển vụ án đến Cơ quan CSĐT Công an tỉnh để điều tra theo thẩm quyền vì xác định vụ án có dấu hiệu của tội giết người.
Căn cứ vào tài liệu, chứng cứ có tại hồ sơ vụ án, liên ngành các cơ quan tố tụng cấp tỉnh xác định: Trong lúc S và B giằng co đánh nhau, S cầm một con dao nhưng không dùng dao đâm B. Thương tích của người bị hại là do quá trình giằng co, S ôm đẩy B vào tường, trong khi trên tay cầm dao nên trúng B gây thương tích. S không có chủ đích đâm B. B khai không thấy S đâm, sau khi gằng co phát hiện chảy máu mới biết bị thương tích. Có ba người làm chứng khai không thấy S đâm B. Trích xuất dữ liệu camara tại hiện trường không thấy S đâm B. Thực nghiệm điều tra không xác định S dùng dao đâm B. Kết quả thể hiện tay trái S ôm giữ sau lưng B và đẩy B vào tường, tay phải S cầm dao, mũi dao hướng lên trên trúng vào người của B...Vì vậy, hành vi của S không cấu thành tội giết người.
Từ đó, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh đã chuyển lại hồ sơ vụ án cho Cơ quan CSĐT Công an huyện A để điều tra giải quyết theo thẩm quyền.
Vụ thứ hai: Khoảng 23h ngày 26/8/2022, xảy ra vụ đánh nhau gây rối tại xã H, huyện M. Anh NAD là Công an viên xã H được phân công đến giải quyết vụ việc. Khi đến nơi, anh D yêu cầu VTT, NAT và những người đi cùng bỏ hung khí xuống nhưng VTT, NAT không chấp hành. VTT có lời nói thô tục và dùng dao phóng lợn (có đặc điểm là 01 tuýp sắt dài 3,3 mét, đầu có gắn lưỡi làm bằng kim loại) chém, phóng vào người của anh D nhưng không trúng. NAT dùng vỏ chai bia thủy tinh ném vào người anh D nhưng không trúng. Sau đó, VTT dùng hai tay cầm dao phóng lợn chém theo hướng từ trên xuống về phía anh D nhưng không trúng.
Liên ngành các cơ quan tố tụng huyện M cho rằng VTT và NAT có hành vi dùng dao phóng lợn chém, phóng vào người anh D là có dấu hiệu tội giết người theo hướng dẫn của Án lệ số 47/2021/AL nên báo cáo liên ngành cấp tỉnh.
Liên ngành các cơ quan tố tụng cấp tỉnh xác định: VTT, NAT có hành vi dùng lời nói, vũ lực tấn công lực lượng thi hành công vụ, đủ yếu tố cấu thành tội chống người thi hành công vụ. Việc đánh giá hành vi của VTT, NAT có dấu hiệu của tội giết người trong khi anh D không bị tác động, thương tích gìlà không có căn cứ, không thỏa mãn các yếu tố cấu thành tội phạm do liên ngành cấp huyện chưa nghiên cứu, áp dụng đúng tinh thần hướng dẫn của Án lệ số 47/2021/AL...
Vụ thứ 3: Khoảng 18h ngày 22/11/2021, NS và PTH gọi điện hẹn nhau giải quyết mâu thuẫn trước đó. Sau đó, H gọi taxi chở đến chỗ hẹn, khi đi đem theo một khẩu súng thể thao dài khoảng 40cm; còn S đi cùng TQĐ đến chỗ hẹn. Khi S và Đ đến nơi thì H cầm súng bắn 02 phát trúng vào vùng bụng S làm thủng nhiều đoạn ruột non... S bị thương tích tỷ lệ 59%. Sau đó, H tiếp tục dùng súng bắn 01 phát trúng vào vùng đùi Đ gây thương tích 04%.
Cơ quan CSĐT Công an thành phố N ra quyết định khởi tố vụ án về tội cố ý gây thương tích, theo quy định tại khoản 3 Điều 134 BLHS.
Xét thấy, PTH vô cớ dùng súng thể thao là hung khí nguy hiểm bắn 02 phát trúng vào vùng bụng của S, gây ra vết thương nhiều đoạn ruột non bầm dập, hoại tử, đứt tĩnh mạch chậu ngoài trái, tỷ lệ thương tích 59% là cố ý tước đoạt tính mạng của S. Việc S không chết là do được cấp cứu kịp thời nên không nguy hiểm đến tính mạng, là ngoài ý muốn của H. Hành vi của H có dấu hiệu của tội giết người, được quy định tại Điều 123 BLHS. VKSND tỉnh đã có công văn chỉ đạo VKSND thành phố N yêu cầu Cơ quan CSĐT Công an thành phố N chuyển vụ án lên cấp tỉnh để giải quyết theo thẩm quyền. Sau đó, vụ án đã chuyển cấp tỉnh điều tra, truy tố và xét xử tuyên phạt H16 năm tù về tội giết người.
Vụ thứ 4: Khoảng 19h30 ngày 31/8/2021, ĐQĐ cùng VĐT, NCT, VVA và NNV đến chơi tại khu vực kè bờ sông thuộc huyện T. Tại đây, Đ kể cho cả nhóm nghe việc trước đó bị NHN đánh. Nghe vậy, VĐT điện thoại cho N thách thức, hẹn đánh nhau, rồi cùng cả nhóm thống nhất đi đánh N; khi đi NCT điện thoại rủ NTA tham gia. Sau đó, cả nhóm đem theo dao tự chế, đoạn cây kim loại đi đến chỗ hẹn đánh, chém N nhiều cái vào vùng đầu làm vỡ mũ bảo hiểm, trúng đỉnh đầu và chân, gây thương tích cho N với tỷ lệ tỷ lệ 09%. Ngày 13/12/2021, Cơ quan CSĐT Công an huyện T khởi tố vụ án về tội cố ý gây thương tích, theo quy định tại khoản 1 Điều 134 BLHS.
Ngày 08/4/2022, Cơ quan CSĐT Công an huyện T ra quyết định đình chỉ điều tra vụ án hình sự, do người bị hại rút yêu cầu khởi tố theo quy định tại khoản 2 Điều 155 BLTTHS. Sau đó, VKSND tỉnh kiểm tra tại VKSND huyện T đã phát hiện, chỉ đạo huỷ bỏ quyết định đình chỉ điều tra vụ án hình sự nêu trên và chuyển vụ án đến Cơ quan CSĐT Công an tỉnh giải quyết theo thẩm quyền. Ngày 16/5/2022, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh ra quyết định thay đổi quyết định khởi tố vụ án hình sự từ tội cố ý gây thương tích sang tội giết người và ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với 06 bị can về tội giết người theo quy định tại khoản 1 Điều 123 BLHS.
Trong vụ án này, ĐQĐ dùng dao dài 93cm, lưỡi bằng kim loại dài 59cm, rộng 03cm có cạnh sắc, đầu nhọn chém nhiều cái vào vùng đầu của NHN trúng mũ bảo hiểm làm vỡ mũ bảo hiểm, gây vết thương vùng đầu dài 10cm, sâu đến lộ xương sọ. Sau đó, Đ tiếp tục dùng dao chém tiếp 2 cái vào chân trái của N gây vết thương dài 11cm, đứt gân cơ chày trước, tổng tỷ lệ thương tích là 09%.
Hành vi dùng dao là hung khí nguy hiểm chém nhiều cái vào đầu của N là vùng trọng yếu của cơ thể có khả năng dẫn đến chết người, đến khi bị người dân hô la Đ và các đồng phạm mới thu dọn hung khí bỏ đi, bị hại không chết là ngoài ý muốn chủ quan do được cứu chữa kịp thời. Do đó, hành vi của Đ và các đồng phạm cấu thành tội giết người, có tính chất côn đồ quy định tại khoản 1 Điều 123 BLHS.
Vừa qua, TAND tỉnh đã mở phiên tòa xét xử bị cáo ĐQĐ và 05 đồng phạm về tội giết người. Xét tính chất, mức độ phạm tội và nhân thân của các bị cáo đều là người chưa thành niên, HĐXX đã tuyên phạt ĐQĐ 08 năm tù, VĐT và NCT mỗi bị cáo 07 năm tù, VVA và NHV mỗi bị cáo 06 năm tù, NTA 04 năm tù.
Qua việc giải quyết các vụ án nói trên cho thấy, các cơ quan tố tụng nói chung, nhất là cấp huyện chưa đánh giá,xác định đúng tội danh cố ý gây thương tích hay giết người chưa đạt đối với các vụ việc mà đối tượng sử dụng hung khí nguy hiểm tấn công vào vùng trọng yếu trên cơ thể người nhưng chưa gây thương tích hoặc gây thương tích nhẹ. Dẫn đến việc giải quyết vụ án không đúng quy định của pháp luật. Vì vậy, đối với các vụ án mà bị hại có tỷ lệ thương tích dưới 11% và có đơn không yêu cầu khởi tốvụ án phải hết sức chặt chẽ, đảm bảo đánh giá đúng 04 yếu tố cấu thành tội phạm đểxử lý cho chính xác, đúng pháp luật. Vì nếu định tội cố ý gây thương tích (trong khi hành vi đủ yếu tố cấu thành tội giết người), thì đối tượng giết người có thể được miễn trách nhiệm hình sự do bị hại rút yêu cầu khởi tố (bỏ lọt tội phạm), hoặc lĩnh mức án nhẹ và ngược lại, nếu định tội giết người (trong khi hành vi chỉ cấu thành tội cố ý gây thương tích), người bị hại không có yêu cầu khởi tố thì dẫn đến truy cứu trách nhiệm hình sự oan. Do đó, khi xem xét, giải quyết các vụ án này phải hết sức thận trọng, tránh việc lạm dụng áp dụng Án lệ số 47/2021/AL, nhưng cũng phải đảm bảo xử lý đúng pháp luật, tránh bỏ lọt tội phạm và người phạm tội, đồng thời không làm oan người vô tội.
2. Một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả việc áp dụng Án lệ số 47/2021/AL
Một là, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên, chuyên viên VKSND hai cấp tỉnh và huyện cần tiếp tục nghiên cứu, nắm vững nội dung và áp dụng các án lệ nói chung, Án lệ số 47/2021/ALvề việc xác định tội danh trong trường hợp bị cáo dùng hung khí nguy hiểm đâm vào vùng trọng yếu của cơ thể bị hại (được Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao thông qua ngày 25/11/2021 và được công bố theo Quyết định số 594/QĐ-CA ngày 31/12 /2021 của Chánh án TAND tối cao) nói riêng, đảm bảo việc giải quyết vụ án, vụ việc chính xác, có căn cứ, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không bỏ lọt tội phạm và người phạm tội, không làm oan người vô tội.
Quán triệt và thực hiện nghiêm túc các văn bản số 1751/C01-P2 ngày 21/4/2023 của Văn phòng Cơ quan CSĐT Bộ Công an, số 721/V14 ngày 25/11/2022 của VKSND tối cao và số 49/TANDTC-PC ngày 22/3/2023 của TAND tối cao về hướng dẫn áp dụng Án lệ số 47/2021/AL. Theo đó, để áp dụng án lệ, ngoài việc chứng minh bị cáo có hành vi dùng hung khí nguy hiểm tấn công vào vùng trọng yếu trên cơ thể của nạn nhân, thì phải chứng minh được ý thức chủ quan của bị cáo về hành vi, hậu quả của hành vi (có cố ý thực hiện hành vi gây nguy hiểm cho tính mạng người khác và mong muốn làm nạn nhân chết hay không) để xác định lỗi ( thực chất hành vi phạm tội được Án lệ số 47/2021/AL mô tả là hành vi giết người trong trường hợp phạm tội chưa đạt, bị cáo mong muốn thực hiện tội phạm đến cùng, nhằm gây hậu quả là làm cho bị hại chết, nhưng bị hại không chết là ngoài ý thức, mong muốn chủ quan của bị cáo). Phải xem xét, đánh giá toàn diện các tình tiết thể hiện, mức độ của hành vi, cơ chế hình thành vết thương, sự quyết liệt trong thực hiện hành vi, vị trí trên cơ thể nạn nhân mà bị cáo có ý định tấn công (bị cáo cố ý tấn công vào vị trí trọng yếu trên cơ thể nạn nhân hay chỉ cố ý tấn công vào vị trí không trọng yếu nhưng vì lý do khách quan dẫn đến tấn công vào vị trí mà bị cáo không mong muốn…). Cần lưu ý rằng, chứng minh được đến đâu thì xử lý đến đó, tránh việc gây oan, sai; việc áp dụng Án lệ số 47/2021/AL cần hiểu là áp dụng đối với những vụ án có tình huống, tình tiết diễn ra tương tự, không “cắt khúc” thời điểm, khoảnh khắc hành vi xảy ra để áp dụng xử lý.
Hai là, cần tăng cường công tác lãnh đạo, quản lý, chỉ đạo điều hành trong quá trình giải quyết án hình sự, nhất là đối với các vụ án cố ý gây thương tích, giết người.
Lãnh đạo VKSND hai cấp tỉnh và huyện cần quan tâm chỉ đạo Kiểm sát viên thực hiện tốt công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiểm sát điều tra vụ án hình sự ngay từ đầu, nắm chắc tiến độ giải quyết vụ việc, vụ án để chỉ đạo sát đúng, kịp thời. Đặc biệt, lãnh đạo các đơn vị phải nghe kỹ, xem xét đầy đủ, toàn diện các chứng cứ buộc tội, gỡ tội, nhất là những trường hợp còn có những quan điểm khác nhau trong việc áp dụng án lệ. Trường hợp cần thiết khi gặp khó khăn về đường lối xử lý, về áp dụng pháp luật... thì kịp thời báo cáo thỉnh thị VKSND cấp trên hoặc phối hợp với Cơ quan điều tra, Tòa án họp liên ngành hoặc báo cáo liên ngành cấp tỉnh.
Ở Phú Yên, hàng năm, VKSND tỉnh đều tổ chức Hội nghị rút kinh nghiệm về công tác giải quyết án hình sự cho Kiểm sát viên, Kiểm tra viên, chuyên viên VKSND hai cấp tỉnh và huyện. Riêng năm 2023, đã tổ chức Hội nghị trực tuyến rút kinh nghiệm trong việc áp dụng Án lệ số 47/2021/AL và các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Qua hội nghị, rút ra những kinh nghiệm, đề ra những giải pháp nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả công tác trong thời gian tới.
Đặc biệt, thời gian qua, VKSND tỉnh Phú Yên cùng đã tăng cường công tác thành tra, kiểm tra chuyên sâu về công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát việc tiếp nhận giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử án hình sự đối với các VKSND cấp huyện. Xem đây là giải pháp giúp cho đơn vị được kiểm tra kịp thời thấy và khắc phục những thiếu sót, tồn tại nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả công tác. Đồng thời, VKSND tỉnh Phú Yên cũng thường xuyên có thông báo rút kinh nghiệm về lĩnh vực công tác này, nhất là các vụ án bị sửa, bị huỷ do áp dụng không đúng pháp luật, không phù hợp án lệ để VKSND các huyện, thị xã, thành phố nghiên cứu, rút kinh nghiệm chung.
Ba là, nâng cao trách nhiệm, năng lực của Kiểm sát viên.
Kiểm sát viên thực hành quyền công tố và kiểm sát việc giải quyết án hình sự là thực hiện nhiệm vụ và quyền hạn của VKSND, bảo đảm cho việc khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không bỏ lọt tội phạm và người phạm tội, không làm oan người vô tội. Vì vậy, phải không ngừng nâng cao trách nhiệm, năng lực của Kiểm sát viên, nhất là trong giai đoạn cải cách tư pháp hiện nay. Do đó, trước hết cần tăng cường kỷ luật nghiệp vụ, thực hiện nghiêm túc Quy tắc chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp của người cán bộ Kiểm sát (ban hành theo Quyết định số 21/QĐ-VKSTC ngày 07/02/2023 của Viện trưởng VKSND tối cao), các quy chế nghiệp vụ, nâng cao ý thức trách nhiệm của từng Kiểm sát viên. Không ngừng nâng cao nhận thức về pháp luật; trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng nghề nghiệp; trình độ sử dụng công nghệ thông tin; bản lĩnh cho Kiểm sát viên nói chung, Kiểm sát viên làm công tác kiểm sát giải quyết án hình sự nói riêng.
Bốn là, tiếp tục tăng cường công tác phối hợp liên ngành giữa các cơ quan tố tụng cùng cấp và giữa các cơ quan tố tụng cấp huyện với cấp tỉnh...
Đối với các vụ cố ý gây thương tích mà đối tượng sử dụng hung khí tấn công vào vùng trọng yếu trên cơ thể người bị hại nhưng hậu quả chết người chưa xảy ra, thương tích của người bị hại nhẹ, nếu không có khả năng dẫn đến chết người thì cơ quan tố tụng cấp huyện cần xem xét, thụ lý điều tra, xác minh giải quyết theo thẩm quyền; nếu có căn cứ thì khởi tố vụ án, khởi tố bị can về tội cố ý gây thương tích để tiến hành các hoạt động điều tra theo quy định pháp luật.
Quá trình điều tra, chú ý làm rõ dấu vết thương tích của người bị hại, vật tác động gây nên thương tích; đặc điểm công cụ, phương tiện gây án; tiến hành thực nghiệm điều tra để xác định vị trí, tư thế, khoảng cách, cường độ tấn công để làm rõ ý thức phạm tội khi dùng hung khí tấn công vào vùng trọng yếu trên cơ thể nạn nhân; ghi lời khai đối tượng, người bị hại, người làm chứng... để làm rõ trong quá trình thực hiện hành vi phạm tội đối tượng có lời nói, hành vi thể hiện ý thức tước đoạt tính mạng của nạn nhân hay không... Sau khi hoàn tất các hoạt động điều tra đề nghị Cơ quan CSĐT cấp huyện tiến hành họp liên ngành các cơ quan tố tụng cấp huyện để thống nhất quan điểm giải quyết. Nếu có dấu hiệu tội phạm giết người thì kịp thời báo cáo liên ngành các cơ quan tố tụng cấp tỉnh xin ý kiến chỉ đạo giải quyết.
Đối với các vụ cố ý gây thương tích mà đối tượng sử dụng hung khí tấn công vào vùng trọng yếu trên cơ thể người bị hại, hậu quả chết người chưa xảy ra nhưng thương tích của người bị hại nặng, có khả năng dẫn đến chết người thì cơ quan tố tụng cấp huyện tiến hành các hoạt động điều tra ban đầu như khám nghiệm hiện trường, kịp thời thu giữ các công cụ, phương tiện gây án, truy bắt đối tượng gây án, xác minh tình trạng thương tích của nạn nhân... Đồng thời, báo ngay Cơ quan CSĐT Công an tỉnh và VKSND tỉnh để phối hợp điều tra, xác minh, đảm bảo giải quyết vụ án theo đúng quy định pháp luật, nhất là việc áp dụng Án lệ số 47/2021/AL.
GIANG HÀ