Ngày 07/4/2017, TAND tối cao ban hành Công văn số 01/2017/GĐ-TANDTC giải đáp một số vấn đề về nghiệp vụ xét xử đối với TAND. Trong đó, có hướng dẫn về việc tại phiên tòa, HĐXX quyết định trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung cho VKS nhưng thời hạn tạm giam bị cáo theo lệnh tạm giam ở giai đoạn chuẩn bị xét xử đã hết, trong khi hồ sơ vụ án rất dày, có nhiều tài liệu, cần phải có thời gian kiểm đếm mới có thể bàn giao cho VKS. Trong trường hợp này, HĐXX có được ra lệnh tạm giam mới đối với bị cáo không? Nếu được thì thời hạn tạm giam là bao nhiêu ngày?
Theo quy định tại Điều 177 và khoản 1 Điều 228 BLTTHS năm 2003: “Thời hạn tạm giam để chuẩn bị xét xử không được quá thời hạn chuẩn bị xét xử quy định tại Điều 176 của bộ luật này.
Đối với bị cáo đang bị tạm giam mà đến ngày mở phiên tòa thời hạn tạm giam đã hết; nếu xét thấy cần tiếp tục tạm giam để hoàn thành việc xét xử, thì tòa án ra lệnh tạm giam cho đến khi kết thúc phiên tòa”
“Đối với bị cáo đang bị tạm giam mà bị phạt tù nhưng đến ngày kết thúc phiên tòa thời hạn tạm giam đã hết thì HĐXX ra quyết định tạm giam bị cáo để bảo đảm việc thi hành án, trừ trường hợp được quy định tại khoản 4 và khoản 5 Điều 227 của bộ luật này”.
Như vậy, HĐXX chỉ được ra lệnh tạm giam cho đến khi kết thúc phiên tòa hoặc ra quyết định bắt tạm giam bị cáo sau khi tuyên án để bảo đảm việc thi hành án. Đối với trường hợp HĐXX quyết định trả hồ sơ vụ án cho VKS để điều tra bổ sung là đã kết thúc phiên tòa nên HĐXX không có quyền tạm giam bị cáo để hoàn thành việc xét xử. HĐXX cũng không có quyền bắt tạm giam bị cáo để phục vụ cho việc trả hồ sơ điều tra bổ sung. Sau khi HĐXX quyết định trả hồ sơ cho VKS điều tra bổ sung thì quyết định này (kèm hồ sơ vụ án) phải được gửi cho VKS có thẩm quyền. Cho nên việc áp dụng, thay đổi hoặc hủy bỏ biện pháp ngăn chặn sau khi HĐXX quyết định trả hồ sơ cho VKS để điều tra bổ sung là thuộc thẩm quyền của VKS.
Để tránh bị động trong việc kiểm đếm hồ sơ trả cho VKS, khi xây dựng kế hoạch xét xử, Thẩm phán chủ tọa phiên tòa phải dự kiến được những công việc cần phải làm và chủ động phối hợp với VKS để giải quyết vụ án theo đúng quy định của pháp luật.
Trong thời gian quan, nhìn chung VKS đã không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử vụ án; hạn chế các trường hợp Tòa án trả hồ sơ để điều tra bổ sung. Trong trường hợp tại phiên tòa, HĐXX trả hồ sơ để điều tra bổ sung, VKS cần phối hợp chặt chẽ với Tòa án trong việc nhận hồ sơ, nhất là đối với các trường hợp bị cáo đang bị tạm giam để kịp thời xem xét việc áp dụng, thay đổi hoặc hủy bỏ biện pháp ngăn chặn.
GIANG HÀ