Trang thông tin điện tử VKSND tỉnh Phú Yên tiếp tục giới thiệu nội dung hướng dẫn số 25/HD-VKSTC ngày 18/4/2022 của VKSND tối cao về một số nội dung liên quan đến hoạt động kiểm sát việc giải quyết vụ án KDTM về “Tranh chấp hợp đồng tín dụng”.
Một số vi phạm phổ biến và những vấn đề cần lưu ý trong quá trình kiểm sát việc giải quyết vụ án kinh doanh , thương mại về “Tranh chấp hợp đồng tín dụng”.
…4. Đình chỉ giải quyết vụ án do doanh nghiệp chấm dứt hoạt động, bị giải thể không đúng
Đối với doanh nghiệp chấm dứt hoạt động, bị giải thể, nhiều trường hợp, Tòa án đình chỉ giải quyết vì cho rằng không đủ điều kiện thụ lý, giải quyết là không đúng, vì trường hợp này phải xác định cá nhân, tổ chức là thành viên của tổ chức đó hoặc đại diện của họ tham gia tố tụng để tiếp tục giải quyết vụ án theo thủ tục chung.
Ví dụ, vụ án “Tranh chấp hợp đồng tín dụng” giữa nguyên đơn là Ngân hàng X với bị đơn là ông Bạch Ngọc T, người liên quan là Công ty T. Trước đây, Công ty T nợ của Ngân hàng X số tiền gốc 120.656,66 USD nên bị khởi kiện. Quá trình giải quyết, TAND thành phố H xác định: ngày 09/10/2000, Công ty T bị thu hồi Giấy chứng nhận Đăng ký kinh doanh nên đã ra Quyết định số 13/2016/QĐST-KDTM đình chỉ giải quyết vụ án với lý do chưa đủ điều kiện khởi kiện, Tòa án cấp phúc thẩm cũng giữ nguyên quyết định đình chỉ giải quyết vụ án là không đúng, vì Công ty T đã giải thể nên Ngân hàng X có quyền khởi kiện các thành viên của Công ty T trả nợ để tiếp tục giải quyết vụ án6.
Quá trình kiểm sát, KSV cần lưu ý: Trong trường hợp nêu trên, căn cứ quy định tại điểm a, khoản 2 Điều 74 BLTTDS năm 2015: “Trường hợp tổ chức phải chấm dứt hoạt động, bị giải thể là công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh thì cá nhân, tổ chức là thành viên của tổ chức đó hoặc đại diện của họ tham gia tố tụng”, để yêu cầu Tòa án tiếp tục giải quyết vụ án.
5. Đình chỉ giải quyết vụ án hoặc trả lại đơn khởi kiện do bị đơn thay đổi địa chỉ không đúng
Thực tế, không ít trường hợp sau khi vay được tài sản, bị đơn có dấu hiệu trốn nợ như thay đổi địa chỉ trụ sở, chi nhánh; hoặc doanh nghiệp ngừng hoạt động nhưng không tiến hành thủ tục giải thể, không biết địa chỉ của người quản lý, đại diện theo pháp luật. Khi khởi kiện, TCTD ghi đúng địa chỉ bị đơn khi ký HĐTD, nhưng do không tống đạt cho đương sự được (do thay đổi địa chỉ), Tòa án đình chỉ giải quyết vụ án hoặc trả lại đơn khởi kiện là không đúng quy định pháp luật.
Quá trình kiểm sát, KSV cần lưu ý: BLTTDS năm 2015 và Nghị quyết 04/2017/NQ-HĐTP ngày 05/5/2017 của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao hướng dẫn một số quy định về trả lại đơn khởi kiện, quyền nộp đơn khởi kiện lại vụ án tại khoản 1 và khoản 3 Điều 192 BLTTDS (Nghị quyết 04/2017/NQ- HĐTP) quy định cụ thể hơn về việc giải quyết trong trường hợp bị đơn, người liên quan vắng mặt tại nơi cư trú. Tại điểm e khoản 1 Điều 192 BLTTDS và khoản 2 Điều 5 Nghị quyết số 04/2017/NQ-HĐTP quy định: “Người khởi kiện đã cung cấp địa chỉ “nơi cư trú, làm việc, hoặc nơi có trụ sở” của người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan cho Tòa án theo đúng quy định của pháp luật và hướng dẫn tại khoản 1 Điều này tại thời điểm nộp đơn khởi kiện mà được cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cấp, xác nhận hoặc có căn cứ khác chứng minh rằng đó là địa chỉ của người bị kiện, người có quyền nghĩa vụ quan thì được coi là đã ghi đúng địa chỉ của người bị kiện, người có quyền nghĩa vụ liên quan”.
Trường hợp bị đơn, người liên quan “cố tình giấu địa chỉ” thì KSV xem xét có dấu hiệu hình sự về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản (Điều 174 Bộ luật hình sự), Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản (Điều 175 Bộ luật hình sự) hay không để có định hướng tiếp tục giải quyết vụ án. Trường hợp không đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì căn cứ điểm a, b, khoản 2 Điều 6 Nghị quyết 04/2017/NQ-HĐTP kiểm sát việc Tòa án tiếp tục giải quyết vụ án mà không đình chỉ hoặc trả lại đơn khởi kiện. Trường hợp Tòa án không thể xác định được nơi cư trú của bị đơn và người liên quan thì Tòa án có thể thông qua thủ tục niêm yết để xét xử vắng mặt hoặc thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng khi có yêu cầu của các đương sự khác trong vụ án.
6. Việc xác định thời hiệu khởi kiện
Thực tiễn giải quyết tranh chấp HĐTD, việc xác định thời hiệu khởi kiện vụ án có còn hay không có ý nghĩa quan trọng trong việc giải quyết vụ án đúng quy định.
Vấn đề này, KSV lưu ý tính đặc thù về thời hiệu giải quyết loại án “Tranh chấp hợp đồng tín dụng” mặc dù Điều 429 BLDS năm 2015 quy định chung về “Thời hiệu khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp hợp đồng là 03 năm, kể từ ngày người có quyền yêu cầu biết hoặc phải biết quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm”. Tuy nhiên, theo khoản 2 Điều 155 BLDS năm 2015 thì không áp dụng thời hiệu đối với “Yêu cầu bảo vệ quyền sở hữu, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác”, nên Tòa án vẫn thụ lý, giải quyết vụ án “Tranh chấp hợp đồng tín dụng” theo thủ tục chung.
7. Vi phạm trong việc phạt vi phạm và tính lãi
7.1. Xác định việc phạt vi phạm không đúng
Thực tế, trong nhiều HĐTD có quy định thêm điều khoản về phạt vi phạm đối với việc quá hạn của hợp đồng ngoài việc chuyển sang nợ quá hạn. Về bản chất, đây là khoản phạt quá hạn (thường bằng 150% lãi suất trong hạn); khi phát sinh tranh chấp, nhiều Tòa án căn cứ thỏa thuận tại HĐTD đã công nhận điều khoản này là không đúng.
Ví dụ: Vụ án “Tranh chấp hợp đồng tín dụng” giữa nguyên đơn là Ngân hàng S với bị đơn là Công ty Đ, người liên quan là bà Nguyễn Thị C, Nguyễn Thị T... theo HĐTD các bên thỏa thuận về lãi suất quá hạn bằng 150% lãi suất vay trong hạn nhưng lại còn thỏa thuận về lãi phạt chậm trả (=150% lãi suất vay trong hạn) đối với số tiền lãi chưa thanh toán đúng hạn theo hợp đồng là lãi chồng lãi, phạt chồng phạt.
Quá trình kiểm sát, KSV cần lưu ý: Hiện nay, chưa có quy định nào cho phép phạt nhiều lần về cùng vi phạm trong HĐTD. Điều 12 Nghị quyết 01/2019/NQ-HĐTP ngày 11/01/2019 của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của pháp luật về lãi, lãi suất, phạt vi phạm (Nghị quyết 01/2019/NQ-HĐTP) quy định nguyên tắc “chỉ xử lý một lần đối mỗi hành vi không trả nợ đúng hạn”. Do vậy, nếu các bên đã thỏa thuận về lãi suất quá hạn (thường bằng 150% lãi suất vay trong hạn), lại còn quy định thêm khoản phạt chậm trả hoặc lãi đối với lãi chậm trả là không đúng.
7.2. Vi phạm về việc không xác định lãi suất theo thỏa thuận và không áp dụng việc điều chỉnh lãi suất theo hợp đồng tín dụng
Trong một số HĐTD, các bên có thỏa thuận về lãi suất cho vay, gồm: lãi suất cho vay trong hạn, lãi suất nợ quá hạn, việc điều chỉnh lãi suất cho vay theo từng thời kỳ của TCTD. Tuy nhiên, đến thời điểm xét xử sơ thẩm, khách hàng vay chưa thanh toán, hoặc thanh toán không đủ số tiền nợ gốc, lãi, có trường hợp Tòa án tuyên: “Áp dụng lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố tương ứng với thời gian chậm thi hành án” và không điều chỉnh lãi suất vay theo thỏa thuận của các bên trong HĐTD là không đúng, dẫn đến nhiều bản án, quyết định bị hủy, sửa.
Quá trình kiểm sát, KSV cần lưu ý: Trường hợp này, khách hàng vay phải tiếp tục thanh toán tiền nợ gốc chưa thanh toán, tiền lãi trên nợ gốc trong hạn, lãi nợ quá hạn theo mức lãi suất mà các bên thỏa thuận trong HĐTD cho đến khi thanh toán xong khoản nợ gốc này. Trường hợp các bên thỏa thuận việc điều chỉnh mức lãi suất cho vay theo từng thời kỳ của TCTD thì lãi suất mà khách hàng vay phải tiếp tục thanh toán theo quyết định của Tòa án cũng sẽ được điều chỉnh cho phù hợp với sự điều chỉnh lãi suất của TCTD.
7.3. Về căn cứ xác định cách tính khoản tiền lãi kể từ ngày tiếp theo của ngày xét xử sơ thẩm
Từ khi có Án lệ số 08/2016/AL ngày 17/10/2016 về xác định lãi suất, việc điều chỉnh lãi suất trong HĐTD kể từ ngày tiếp theo của ngày xét xử sơ thẩm, nhiều Tòa án đã xác định các khoản tiền vay của các tổ chức tín dụng, ngoài khoản tiền nợ gốc, lãi vay trong hạn, lãi vay quá hạn, phí mà khách hàng vay phải thanh toán cho bên cho vay theo HĐTD tính đến ngày xét xử sơ thẩm, thì “kể từ ngày tiếp theo của ngày xét xử sơ thẩm khách hàng vay còn phải tiếp tục khoản lãi quá hạn của số tiền nợ gốc chưa thanh toán, theo mức lãi suất mà các bên thỏa thuận trong hợp đồng cho đến khi thanh toán xong khoản nợ gốc này”.
Tuy nhiên, đến khi ban hành Nghị quyết số 01/2019/NQ-HĐTP thì việc xác định mức lãi suất, thời điểm tính lãi suất và số tiền để tính lãi suất được hướng dẫn khái quát, đầy đủ hơn, cụ thể như sau: “Đối với trường hợp chậm thực hiện nghĩa vụ trong hợp đồng mà các bên có thỏa thuận về việc trả lãi thì quyết định kể từ ngày tiếp theo của ngày xét xử sơ thẩm cho đến khi thi hành án xong, bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất các bên thỏa thuận nhưng phải phù hợp với quy định của pháp luật; nếu không có thỏa thuận về mức lãi suất thì quyết định theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật Dân sự năm 2015” (điểm a, khoản 1 Điều 13). Vì vậy, khi kiểm sát việc quyết định lãi, lãi suất trong bản án, quyết định của Tòa án đối với loại án về tranh chấp HĐTD, KSV cần chú ý áp dụng cho chính xác và đầy đủ văn bản pháp luật hướng dẫn về cách tuyên án này.
Ngoài ra, trường hợp khi kiểm sát thấy nguyên đơn (TCTD) chỉ cung cấp duy nhất một bảng tổng về lãi tính đến ngày xét xử; không có tài liệu giải trình việc tính lãi chi tiết trong hạn và quá hạn, nếu thấy việc tính lãi không hợp lý (thực tế có không ít vụ tính lãi quá cao, lãi chồng lãi, phạt chồng phạt), KSV xem xét đề nghị HĐXX tạm ngừng phiên tòa để thu thập thêm tài liệu, chứng cứ theo quy định tại điểm c, khoản 1 Điều 259 BLTTDS năm 2015...
THU ANH