VKSND tối cao vừa ban hành hướng dẫn số 28/HD-VKSTC về một số nội dung nhằm phát hiện vi phạm pháp luật trong quá trình giải quyết vụ án hành chính để ban hành kháng nghị phúc thẩm. Trang thông tin điện tử VKSND tỉnh tiếp tục giới thiệu nội dung của hướng dẫn này.
Vi phạm trong việc xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ
Theo quy định tại khoản 6 Điều 84 Luật tố tụng hành chính 2015; Điều 22 Thông tư liên tịch số 03/2016/TTLT-VKSNDTC-TANDTC ngày 31/8/2016 thì Tòa án có trách nhiệm thực hiện quyền yêu cầu của Viện kiểm sát. Tuy nhiên, việc chấp nhận hay không chấp nhận yêu cầu thu thập chứng cứ của Kiểm sát viên là tùy thuộc vào việc nhận định, đánh giá của Thẩm phán và của Hội đồng xét xử bởi Tòa án cho rằng không cần thiết phải xác minh, thu thập thêm chứng cứ hoặc với lý do là không thể thực hiện được yêu cầu của Viện kiểm sát. Do đó, trong những trường hợp khi Kiểm sát viên xác định chắc chắn cần phải thu thập bổ sung chứng cứ mới giải quyết được vụ án như trong các vụ án có những tài liệu do đương sự cung cấp có sự khác biệt với những tài liệu khác cần phải đối chiếu, dẫn chiếu với quy định pháp luật liên quan mà trong hồ sơ vụ án chưa có thì căn cứ quy định của pháp luật nội dung, pháp luật tố tụng để làm cơ sở đề ra yêu cầu xác minh chứng cứ; các trường hợp có mâu thuẫn được thể hiện trong các tài liệu được sử dụng làm chứng cứ giải quyết vụ án thì báo cáo với Lãnh đạo Viện và trao đổi với Thẩm phán, sau đó Viện kiểm sát có văn bản yêu cầu Tòa án tiến hành thu thập bổ sung tài liệu, chứng cứ. Bản yêu cầu xác minh, thu thập chứng cứ cần nêu ngắn gọn, rõ ràng và phải đưa ra được lý do của mỗi nội dung yêu cầu.
Ví dụ 1: Vụ án hành chính giữa người khởi kiện là bà Thạch Thị D với người bị kiện là Chủ tịch UBND tỉnh K. Theo bản Trích lục địa bộ ngày 02/01/1974 của Ty Điền địa K (chế độ cũ) cấp cho cụ U vừa có nội dung ghi bằng tiếng Việt vừa có nội dung ghi bằng tiếng nước ngoài, đây là chứng cứ do bà D giao nộp để xác định nguồn gốc đất của gia đình bà D, mà phần đất tranh chấp có nguồn gốc từ Trích lục địa bộ này. Tuy nhiên, khi giải quyết Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm không yêu cầu đương sự nộp bản dịch sang tiếng Việt là không đúng quy định tại khoản 3 Điều 77 Luật Tố tụng hành chính năm 2010: “3. Đương sự giao nộp cho Tòa án chứng cứ bằng tiếng dân tộc thiểu số, tiếng nước ngoài phải kèm theo bản dịch sang tiếng Việt được công chứng, chứng thực hợp pháp”.
Ví dụ 2: Vụ án hành chính giữa người khởi kiện là ông Nguyễn Trường S với người bị kiện là Chủ tịch UBND huyện Tr, tỉnh M về việc yêu cầu hủy quyết định giải quyết khiếu nại số 2221/QĐ-UBND ngày 20/9/2017 của Chủ tịch UBND huyện Tr, tỉnh M, hủy các GCNQSDĐ do UBND huyện Tr cấp cho ông Triệu H và ông Lê Văn Th. Trong vụ án này, ông S cho rằng phần đất cấp GCNQSDĐ cho ông H và ông Th là do gia đình ông S khai hoang, phục hóa, sản xuất từ năm 1977. Khi cơ quan quản lý tại huyện Tr trưng dụng làm doanh trại kinh tế cho huyện đội từ năm 1980 đến năm 1988 thì huyện đội giải thể đã trả đất lại cho người dân (chủ cũ), lúc này ông S làm đơn xin lại đất cũ của mình nhưng UBND huyện N (cũ) chỉ giải quyết trả lại 1/3, còn 2/3 thì cấp cho hộ ông Triệu H và hộ bà Ư (vợ ông Th). Trong khi hồ sơ chưa có tài liệu, chứng cứ để chứng minh tại sao UBND huyện N chỉ giải quyết trả lại 1/3 diện tích cho ông S, còn lại 2/3 diện tích lại cấp GCNQSDĐ cho hộ ông H và hộ ông Th nhưng Tòa án cấp sơ thẩm đã tiến hành xét xử và ban hành bản án sơ thẩm. Như vậy Tòa án cấp sơ thẩm chưa thu thập đầy đủ tài liệu, chứng cứ nhưng vẫn tiến hành xét xử và ban hành bản án sơ thẩm nên Tòa án cấp phúc thẩm đã hủy án sơ thẩm để xét xử lại.
Ví dụ 3: 43 hộ dân ở thôn Đ, xã K, huyện G, tỉnh D khởi kiện ra Tòa án nhân dân tỉnh D yêu cầu hủy quyết định giải quyết khiếu nại của Chủ tịch UBND huyện G, Chủ tịch UBND tỉnh D trong việc UBND huyện G không ra quyết định thu hồi, bồi thường diện tích đất giải phóng mặt bằng mở rộng đường 394 đi qua xã K mà chỉ hỗ trợ 50.000 đồng/ m2 là không đúng quy định. Nhưng Hội đồng bồi thường giải phóng mặt bằng của UBND huyện G cho rằng diện tích đất sử dụng làm đường thuộc đất hành lang giao thông không thuộc trong phần thửa đất thổ cư của 43 hộ dân. Quá trình kiểm sát việc giải quyết vụ án, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh D xác định các tài liệu chứng cứ không thống nhất cần phải tiến hành thẩm định tại chỗ mới giải quyết được triệt để vụ án nên đã yêu cầu Tòa án thẩm định tại chỗ, nhưng Tòa án không thực hiện yêu cầu của Viện kiểm sát mà vẫn đưa vụ án ra xét xử tuyên chấp nhận đơn khởi kiện của 43 hộ dân trên. Trong quá trình giải quyết theo thủ tục kháng cáo của UBND huyện G, Tòa án cấp phúc thẩm đã ban hành quyết định ủy quyền cho Tòa án tỉnh D xem xét thẩm định tại chỗ đối với 43 vụ án trên. Kết quả sau khi xem xét, thẩm định tại chỗ, Tòa án cấp phúc thẩm đã sửa toàn bộ 43 bản án sơ thẩm và bác yêu cầu khởi kiện của 43 hộ dân thôn Đ, xã K, huyện G, tỉnh D. Như vậy Tòa án cấp sơ thẩm chưa thực hiện việc thu thập tài liệu chứng cứ (Thẩm định tại chỗ) dẫn đến ban hành bản án không đúng quy định của pháp luật.
Vi phạm trong việc giải quyết không hết hoặc giải quyết vượt quá phạm vi đơn khởi kiện, đơn yêu cầu của đương sự
Vi phạm trong những trường hợp này thường là Tòa án xác định không đúng phạm vi, yêu cầu khởi kiện của đương sự dẫn đến không giải quyết, giải quyết không hết hoặc xét xử vượt quá thẩm quyền của Tòa án; Giải quyết vượt quá phạm vi, yêu cầu khởi kiện; không thụ lý giải quyết yêu cầu độc lập của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan hoặc chấp nhận việc thay đổi, bổ sung yêu cầu của đương sự khi đã hết thời hạn quy định. Quá trình kiểm sát, Kiểm sát viên phải nghiên cứu kỹ nội dung yêu cầu trong đơn khởi kiện, bản tự khai của người khởi kiện, yêu cầu độc lập của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, từ đó đối chiếu với bản án, quyết định của Tòa án đã giải quyết hết các yêu cầu hay chưa hoặc giải quyết có nằm trong phạm vi yêu cầu của đương sự hay không.
Ví dụ 1: Ông Trần Việt D khởi kiện ra Tòa án nhân dân tỉnh M với 2 yêu cầu đó là đề nghị hủy Quyết định số 72/QĐ-UB ngày 04/3/1996 của UBND huyện Đ, tỉnh M về việc cấp GCNQSDĐ và yêu cầu hủy GCNQSDĐ số 1190/QSDĐ ngày 11/3/1996 của UBND huyện Đ.
Tòa án cấp sơ thẩm chỉ giải quyết đối với yêu cầu của ông D về việc hủy Quyết định số 72/QĐ-UB của UBND huyện Đ về việc cấp GCNQSDĐ mà không xem xét giải quyết yêu cầu hủy GCNQSDĐ số 1190/QSDĐ. Vì vậy, Tòa án cấp phúc thẩm đã xét xử chấp nhận kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh M tuyên hủy bản án của Tòa án cấp sơ thẩm để xét xử lại do vi phạm về thủ tục tố tụng.
Ví dụ 2: Bà Hồ Thị M khởi kiện yêu cầu hủy Quyết định thu hồi đất số 1883/QĐ-CTUBBT ngày 23/5/2004 của UBND tỉnh B về việc thu hồi diện tích đất là 13.761,7m2 của hộ bà Hồ Thị M để xây dựng Trung tâm huấn luyện thể thao Quốc gia II tại phường H, thành phố P và yêu cầu hủy Quyết định bồi thường số 1933/QĐ-UBND ngày 08/8/2006 của UBND tỉnh B về việc bồi thường giá trị quyền sử dụng đất đối với 3.708,9 m2 cùng tài sản trên diện tích đất này.
Tòa án cấp sơ thẩm xét xử tuyên: Đình chỉ xét xử đối với yêu cầu hủy Quyết định thu hồi đất 1883/QĐ-CTUBBT do người khởi kiện rút yêu cầu khởi kiện; hủy một phần Quyết định bồi thường số 1933/QĐ-UBND , buộc UBND tỉnh B phải ban hành Quyết định bồi thường đối với diện tích đất thu hồi của bà Hồ Thị M theo Quyết định thu hồi đất số 1883/QĐ-CTUBBT.
Việc Tòa án cấp sơ thẩm xét xử tuyên buộc UBND tỉnh B phải ban hành Quyết định bồi thường đối với toàn bộ diện tích 13.761,7m2 của bà M theo Quyết định thu hồi số 1883/QĐ-CTUBBT là vượt quá yêu cầu khởi kiện của bà M nên Tòa án cấp phúc thẩm đã tuyên hủy bản án sơ thẩm để xét xử lại...(còn nữa).
THU ANH