Vừa qua, Vụ kiểm sát thi hành án dân sự (Vụ 11) VKSND tối cao đã ban hành văn bản số 186/VKSTC-V11 ngày 12/01/2024, giải đáp, hướng dẫn một số khó khăn, vướng mắc. Trang thông tin điện tử VKSND tỉnh Phú Yên trân trọng giới thiệu các nội dung giải đáp, cụ thể như sau:
1. Điều 312 Luật Tố tụng hành chính năm 2015 (Luật TTHC) chưa quy định cụ thể phạm vi bản án, quyết định hành chính thuộc trách nhiệm theo dõi của Cơ quan THADS. Hiện nay có 02 quan điểm: Quan điểm 1 cho rằng, Cơ quan THADS có trách nhiệm theo dõi THAHC đối với những bản án, quyết định hành chính mà Tòa án tuyên chấp nhận một phần hoặc toàn bộ yêu cầu khởi kiện; Quan điểm khác lại cho rằng, Cơ quan THADS chỉ theo dõi THAHC đối với các bản án, quyết định hành chính mà Tòa án đã ra quyết định buộc THAHC. Đề nghị hướng dẫn cụ thể?
Trả lời: Để thống nhất trong việc theo dõi THAHC, ngày 17/02/2023, Tổng cục THADS-Bộ Tư pháp đã có Công văn số 431/TCTHADS-NV3 về việc hướng dẫn nghiệp vụ theo dõi THAHC như sau:
Cơ quan THADS thực hiện theo dõi THAHC đối với: (1) bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính do Tòa án chuyển giao có nội dung chấp nhận toàn bộ hoặc một phần yêu cầu khởi kiện và (2) bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính do Tòa án chuyển giao có nội dung không chấp nhận hoặc bác yêu cầu khởi kiện nhưng đã có quyết định buộc THAHC của Tòa án.
- Đối với những bản án, quyết định của Tòa án có nội dung không chấp nhận hoặc bác yêu cầu khởi kiện và đồng thời chưa có quyết định buộc THAHC của Tòa án, mặc dù cơ quan THADS không thực hiện theo dõi về nội dung vụ việc nhưng vẫn phải thống kê về số lượng các bản án, quyết định do Tòa án chuyển giao để phục vụ cho công tác thống kê, báo cáo theo quy định.
- Khi kiểm sát việc theo dõi và THAHC của Cơ quan THADS, VKSND các cấp căn cứ quy định tại Điều 28 Luật Tổ chức VKSND năm 2014, các Điều 311, 312, 315 Luật TTHC, Nghị định số 71/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ quy định thời hạn, trình tự, thủ tục THAHC và xử lý trách nhiệm đối với người không thi hành bản án, quyết định của Tòa án (Nghị định số 71), Quy chế công tác kiểm sát THADS, THAHC Ban hành theo Quyết định số 810/QĐ-VKSTC ngày 20/12/2016 của Viện trưởng VKSND tối cao (Quy chế 810) và hướng dẫn tại Công văn nêu trên của Tổng cục THADS.
2.Luật TTHC chưa quy định cụ thể đối tượng bị áp dụng quyết định buộc THAHC của Tòa án. Do vậy, trong thực tiễn áp dụng còn có nhận thức và cách hiểu khác nhau. Đề nghị hướng dẫn cụ thể đối tượng bị áp dụng quyết định buộc THAHC chỉ là người bị kiện hay có cả người khởi kiện?
Trả lời: Tại Điều 312 Luật TTHC quy định:
“1. Trong thời hạn 01 năm kể từ ngày hết thời hạn quy định tại điểm b khoản 2 Điều 311 của Luật này mà người phải thi hành án (THA) không tự nguyện thi hành thì người được THA có quyền gửi đơn kèm theo bản sao bản án, quyết định của Tòa án, tài liệu khác có liên quan đề nghị Tòa án đã xét xử sơ thẩm ra quyết định buộc thi hành bản án, quyết định của Tòa án;
2. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu của người được THA, Tòa án đã xét xử sơ thẩm phải ra quyết định buộc THAHC”.
Đồng thời, tại khoản 1 Điều 11, khoản 1 Điều 12 Nghị định 71 quy định: “Khi hết thời hạn tự nguyện THA quy định tại điểm b khoản 2 Điều 311 Luật TTHC mà người phải THA không tự nguyện thi hành thì người được THA có quyền đề nghị Tòa án đã xét xử sơ thẩm ra quyết định buộc THAHC” và “Khi nhận được quyết định buộc THAHC, người phải THA có trách nhiệm thi hành ngay bản án, quyết định của Tòa án”.
Theo quy định trên, thì đối tượng bị áp dụng Quyết định buộc THAHC của Tòa án là người phải THAHC, không phân biệt người phải THAHC là người khởi kiện hay người bị kiện. Do đó, tuỳ từng vụ việc cụ thể, phải căn cứ theo nội dung quyết định của bản án, quyết định của Tòa án đã tuyên để xác định người phải THAHC là người khởi kiện, người bị kiện hay người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án hành chính.
3. Điều 28 Luật Tổ chức VKSND năm 2014 quy định thẩm quyền của VKSND khi kiểm sát THADS, THAHC: Kiểm sát hoạt động của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc THA... Kháng nghị quyết định của Tòa án, quyết định, hành vi của Thủ trưởng, Chấp hành viên (CHV) Cơ quan THADS cùng cấp và cấp dưới theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, theo quy định tại khoản 3 Điều 23 Quy chế 810 lại quy định: Khi kiểm sát việc thi hành bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính theo các nội dung tại khoản 2 và khoản 3 Điều này, VKSND có nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại Điều 315 Luật TTHC năm 2015”. Nhưng Điều 315 Luật TTHC không quy định Viện kiểm sát có quyền kiểm sát hoạt động ban hành Quyết định buộc THAHC của Toà án, mặc dù trong thực tế phát hiện việc ra Quyết định buộc THAHCcủa Toà án có sai sót, vi phạm. Đề nghị hướng dẫn cụ thể?
Trả lời: Điều 28 Luật Tổ chức VKSND năm 2014 quy định chung về nhiệm vụ, quyền hạn của VKSND khi kiểm sát THADS, THAHC.
Tại khoản 3 Điều 23 Quy chế 810 quy định: “Kiểm sát việc Toà án ra quyết định buộc thi hành bản án, quyết định của Toà án về vụ án hành chính; quyết định đôn đốc THAHC của Cơ quan THADS và trách nhiệm kiểm tra, đôn đốc của Thủ trưởng cơ quan cấp trên trực tiếp của người phải THA theo quy định tại Điều 312 Luật TTHC năm 2015. Khi kiểm sát việc thi hành bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính theo các nội dung tại khoản 2 và khoản 3 Điều này, VKSND có nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại Điều 315 Luật TTHC năm 2015”.
Tuy nhiên, Điều 315 Luật TTHC chưa quy định cụ thể về nhiệm vụ, quyền hạn của VKSND khi kiểm sát việc Toà án ra quyết định buộc thi hành bản án, quyết định của Toà án về vụ án hành chính; quyết định đôn đốc THAHC của Cơ quan THADS. Do vậy, khi kiểm sát việc Toà án ra quyết định buộc thi hành bản án, quyết định của Toà án về vụ án hành chính; quyết định đôn đốc THAHC của Cơ quan THADS, VKSND các cấp thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định tại khoản 1, khoản 5, điểm a khoản 6 và khoản 7 Điều 28 Luật Tổ chức VKSND năm 2014 và khoản 2 Điều 25 Luật TTHC.
4.Theo quy định tại khoản 6, khoản 7 Điều 3 Nghị định số 71 thì "chậm thi hành" hoặc "không chấp hành bản án, quyết định của Tòa án" phải là hành vi “cố ý” thì mới xác định là vi phạm. Thực tế không có tiêu chí đánh giá việc cố ý chậm thi hành hoặc không THAHC, cho nên Viện kiểm sát (VKS) gặp khó khăn trong việc xác định vi phạm để kiến nghị. Đề nghị hướng dẫn cụ thể?
Trả lời: Về nguyên tắc, khi bản án, quyết định của Toà án về vụ án hành chính đã có hiệu lực pháp luật và nội dung đã tuyên rõ thì mọi cơ quan, tổ chức,cá nhân có liên quan buộc phải chấp hành. Luật TTHC (Điều 311 và 312), Nghị định 71 (Điều 10, 11 và 12) đã quy định rõ thời hạn tự nguyện THAHC và thời hạn thi hành quyết định buộc THAHC. Do đó, nếu quá thời hạn quy định mà người phải THAHC không thực hiện và không chứng minh được do sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan dẫn đến chậm THA, không THA hoặc THA không đầy đủ thì đều xác định là vi phạm với lỗi “cố ý”. Khi kiểm sát THAHC, phát hiện vi phạm của người phải THAHC về việc chậm THA, không THA hoặc THA không đầy đủ thì VKS kịp thời thực hiện quyền kiến nghị, yêu cầu khắc phục vi phạm theo quy định tại Điều 315 Luật TTHC và Điều 28 Luật Tổ chức VKSND năm 2014.
5.Đề nghị có văn bản hướng dẫn cụ thể về chủ thể bị kiến nghị, nội dung, phương thức kiến nghị, chế tài và trách nhiệm tiếp theo của VKSND nếu đã kiến nghị quyết định buộc thi hành bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính vẫn không được người có nghĩa vụ THAHC thi hành.
Trả lời: Ngoài quy định chung tại Điều 28 Luật Tổ chức VKSND năm 2014, Điều 315 Luật TTHC, Nghị định số 71 và Thông tư số 06/2019/TT-BTP ngày 29/11/2019 của Bộ Tư pháp, nội dung kiểm sát THAHC đã được quy định và hướng dẫn chi tiết tại Quy chế 810 (Điều 5, khoản 4 Điều 7, Điều 23, Điều 27). Hàng năm, trên cơ sở tổng hợp các nội dung khó khăn, vướng mắc của các VKSND địa phương, VKSND tối cao (Vụ 11) đã có văn bản trả lời, hướng dẫn về nghiệp vụ kiểm sát THAHC. Mới đây, tại điểm 25 của Công văn số 606/VKSTC-V11 ngày 24/02/2023 của VKSND tối cao (Vụ 11) đã giải đáp, hướng dẫn về khó khăn, vướng mắc trong kiểm sát THAHC. Trong thời gian tới, VKSND tối cao (Vụ 11) sẽ nghiên cứu ban hành hướng dẫn về một số kỹ năng của Kiểm sát viên khi kiểm sát THAHC.
6.Tại khoản 3 Điều 14 Nghị định số 71 quy định:“Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được quyết định buộc THAHC, CHV được phân công theo dõi việc THA phải làm việc với người phải THA để yêu cầu thực hiện nghĩa vụ trong bản án, quyết định của Tòa án.Nội dung làm việc phải được lập thành biên bản”. Tuy nhiên, việc CHV làm việc với người phải THAHC là UBND, Chủ tịch UBND để yêu cầu thực hiện nghĩa vụ theo bản án, quyết định của Tòa án trên thực tế gặp rất nhiều khó khăn do người phải THAHC không làm việc theo yêu cầu của CHV hoặc chỉ phân công cho cán bộ, công chức thuộc Văn phòng UBND, các sở, phòng, ban trực thuộc UBND làm việc mà theo quy định những người này không thuộc đối tượng phải làm việc. Đề nghị hướng dẫn cụ thể hoạt động kiểm sát của KSV trong trường hợp này?
Trả lời: Tại Điều 35 Nghị định 71 đã quy định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của Cơ quan THADS trong việc theo dõi THAHC. Theo đó, Cơ quan THADS có quyền: Đề nghị Tổng cục THADS đề xuất, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, đôn đốc, chỉ đạo, xử lý trách nhiệm đối với các vụ việc THAHC mà người phải THA là Chủ tịch UBND cấp tỉnh, UBND cấp tỉnh và các cơ quan, tổ chức, cá nhân ở Trung ương; Đề xuất, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, đôn đốc, chỉ đạo, xử lý trách nhiệm đối với các cá nhân, cơ quan, tổ chức phải thi hành bản án, quyết định của TAND cùng cấp; Xử phạt hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật.
Do đó, đối với các trường hợp người phải THA không phối hợp, không chấp hành, Cơ quan THADS cần thực hiện đúng, kịp thời các nhiệm vụ, quyền hạn pháp luật đã quy định. Trường hợp phát hiện vi phạm của cơ quan, người phải THAHC là UBND, Chủ tịch UBND, nhưng Cơ quan THADS không thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn nêu trên nhằm đảm bảo bản án, quyết định hành chính được thi hành kịp thời thì KSV báo cáo lãnh đạo VKSND cấp mình thực hiện quyền kiến nghị, yêu cầu Cơ quan THADS thực hiện theo quy định của pháp luật. (Còn nữa).
Hải Dương