Thứ Năm, 12/09/2024 18:19 CH

VKSND tối cao giải đáp những khó khăn, vướng mắc về nghiệp vụ trong công tác kiểm sát thi hành án dân sự, hành chính (tiếp theo)

Ngày 12/01/2024, Vụ kiểm sát thi hành án dân sự (Vụ 11) đã ban hành văn bản số 186/VKSTC-V11 giải đáp, hướng dẫn về khó khăn, vướng mắc trong công tác kiểm sát thi hành án dấn sự, hành chính. Trang thông tin điện tử VKSND tỉnh Phú Yên trân trọng giới thiệu các nội dung giải đáp, cụ thể như sau:
13. Theo quy định tại Điều 16 Nghị định 71: Trong trường hợp bản án, quyết định của Tòa án tuyên hủy một phần hoặc toàn bộ quyết định hành chính mà quyết định đó đã được thi hành toàn bộ hoặc một phần thì cơ quan đã ban hành quyết định hành chính phải thực hiện các thủ tục, biện pháp để khôi phục quyền và lợi ích hợp pháp của các bên theo quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, nhiều bản án chỉ tuyên hủy một phần hoặc toàn bộ quyết định hành chính mà không tuyên phần nghĩa vụ của người phải THA phải thực hiện, nội dung bản án cũng không thể hiện rõ quyết định hành chính đã được thực hiện trên thực tế hay chưa. Điều này gây khó khăn cho việc theo dõi THAHC. Đề nghị hướng dẫn cụ thể?
Trả lời: Theo quy định tại Điều 310 Luật TTHC và khoản 6 Điều 14 Nghị định 71,Thủ trưởng Cơ quan THADS có quyền yêu cầu bằng văn bản với Tòa án đã ra bản án, quyết định giải thích bằng văn bản những điểm chưa rõ, đính chính sai sót trong bản án, quyết định để thi hành; kiến nghị người có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm đối với bản án, quyết định theo quy định của pháp luật. Do vậy, khi nhận thấy bản án, quyết định của Toà án về vụ án hành chính có những điểm chưa rõ, có sai sót hoặc cần giải quyết theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm thì Thủ trưởng Cơ quan THADS có quyền yêu cầu Tòa án giải thích, đính chính hoặc kiến nghị người có thẩm quyền xem xét kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm đối với bản án, quyết định.
Trường hợp qua kiểm sát THAHC, phát hiện bản án, quyết định của Toà án về vụ án hành chính tuyên chưa rõ, có sai sót hoặc không phù hợp với thực tế, chưa đủ căn cứ để thi hành, nhưng Cơ quan THADS không yêu cầu Tòa án đã ra bản án, quyết định giải thích hoặc đính chính bằng văn bản thì VKS thực hiện quyền yêu cầu Cơ quan THADS có văn bản để yêu cầu Toà án đã ra bản án, quyết định giải thích hoặc đính chính bản án, quyết định đó để thi hành.
Trường hợp qua kiểm sát phát hiện bản án, quyết định của Toà án tuyên có một trong các căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 255 hoặc Điều 281 của Luật TTHC nhưng Cơ quan THADS không thực hiện việc kiến nghị người có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm đối với bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật thì VKS ban hành văn bản kiến nghị Cơ quan THADS trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao. Đồng thời, căn cứ quy định tại Điều 315 và khoản 2 Điều 256 hoặc khoản 2 Điều 282 Luật TTHC, VKS thông báo bằng văn bản cho người có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm đối với bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật.
14. Theo quy định tại khoản 2, 3 Điều 196 Luật TTHC, thì: “(2). Trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày tuyên án, Tòa án phải cấp, gửi bản án cho các đương sự và VKS cùng cấp. (3). Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị mà không có kháng cáo, kháng nghị, Tòa án cấp, gửi bản án đã có hiệu lực pháp luật cho đương sự, VKS cùng cấp, Cơ quan THADS cùng cấp, cơ quan cấp trên trực tiếp của người bị kiện”.
Theo quy định nêu trên, Tòa án chỉ có trách nhiệm gửi bản án cho VKS, mà không quy định gửi các quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời cho VKS, dẫn đến việc VKS không kịp thời kiểm sát quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời (BPKCTT) của Tòa án. Đề nghị Vụ 11 tổng hợp để sửa đổi, bổ sung Điều luật này?
Trả lời: Tại khoản 2 Điều 75 Luật TTHC đã quy định: “Tòa án phải cấp hoặc gửi ngay quyết định áp dụng, thay đổi, hủy bỏ BPKCTT cho đương sự, VKS cùng cấp và Cơ quan THADS cùng cấp”.
Tại khoản 3, 4 Điều 73 Luật TTHC cũng quy định rất cụ thể trường hợp không chấp nhận yêu cầu áp dụng BPKCTT quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 66 Luật này thì Thẩm phán được phân công giải quyết vụ án “phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do cho người yêu cầu, VKS cùng cấp”.
Do vậy, việc đề nghị tổng hợp, sửa đổi, bổ sung Điều 196 Luật TTHC là không có cơ sở.
15. Điều 60 Luật THADS và Điều 2 Thông tư số 216/TT-BTC ngày 10/11/2016 của Bộ Tài chính (Thông tư 216/2016/TT-BTC) quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí THADS quy định người được THA phải nộp phí THADS khi nhận được tiền, tài sản.
Tuy nhiên, qua kiểm sát có trường hợp thuộc diện không phải nộp phí THA nhưng Cơ quan THADS đã thực hiện thu phí đối với người được THA, CHV giải trình do người được THA tự nguyện nộp. Như vậy, việc thu phí trong trường hợp này đúng hay sai?
Trả lời: Tại Điều 6 và khoản 1 Điều 7 Thông tư số 216/2016/TT-BTC quy định các trường hợp không phải chịu phí THA và được miễn phí THA. Trường hợp đương sự tự nguyện nộp phí THA mà thuộc đối tượng không phải nộp phí THA theo quy định thì CHV phải giải thích cho đương sự biết và không thực hiện việc thu phí THA.
Trong trường hợp Cơ quan THADS đã thu phí THA của người được THA tự nguyện nộp mà họ thuộc diện không phải chịu phí THA theo quy định tại Điều 6 hoặc thuộc diện được miễn phí THA theo quy định tại khoản 1 Điều 7 Thông tư số 216/2016/TT-BTC nêu trên là vi phạm. Khi phát hiện vi phạm, VKS cần thực hiện kháng nghị hoặc kiến nghị, yêu cầu Cơ quan THADS thực hiện thoái thu để hoàn trả số tiền đã thu cho đương sự theo quy định tại khoản 5 Điều 5 Thông tư số 216/2016/TT-BTC: “5. Trường hợp có sự nhầm lẫn về số phí THADS phải nộp thì tổ chức thu phí có trách nhiệm tính toán lại theo quy định. Tổ chức thu phí có trách nhiệm làm thủ tục hoàn trả số tiền thu thừa hoặc thực hiện việc thu bổ sung khoản phí THADS còn thiếu”.
16. Thực tế kiểm sát có nhiều trường hợp Cơ quan THADS thu tiền tạm ứng án phí của đương sự, sau đó, chỉ làm thủ tục nộp vào tài khoản tạm giữ tại Kho bạc Nhà nước một phần tiền và giữ tại quỹ Cơ quan THADS phần tiền còn lại để chi cho những người đã có quyết định THA không liên quan khác. Cơ quan THADS cho rằng việc giữ lại một phần tiền tại quỹ của cơ quan là không sai, miễn sao khi hạch toán tổng số tiền thu, chi khớp với Phiếu thu và Phiếu chi; việc giữ lại số tiền để chi cho đương sự khác là để Cơ quan THADS có thể chủ động trong việc chi tiền cho đương sự, đồng thời giảm bớt các thủ tục rút tiền tại Kho bạc.
Vậy, việc Cơ quan THADS chỉ nộp một phần tiền tạm ứng án phí vào tài khoản tạm giữ tại Kho bạc Nhà nước và giữ lại một phần tiền để chi cho đương sự khác có đúng hay không?
Trả lời: Việc Cơ quan THADS chỉ nộp một phần tiền tạm ứng án phí vào tài khoản tạm giữ tại Kho bạc Nhà nước và giữ lại một phần tiền tạm ứng án phí để chi cho đương sự khác là vi phạm quy định tại khoản 2 Điều 5 Luật Kế toán năm 2015, khoản 2 Điều 126 Luật THADS và khoản 4 Điều 19 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án (Nghị quyết 326/2016). Cụ thể, tại khoản 4 Điều 19 Nghị quyết 326/2016 quy định: “Định kỳ hàng tháng, chậm nhất đến ngày 05 của tháng sau, cơ quan thu tạm ứng án phí, tạm ứng lệ phí Tòa án phải nộp 100% tiền tạm ứng án phí, tạm ứng lệ phí Tòa án thu được vào tài khoản tạm thu ngân sách nhà nước tại Kho bạc Nhà nước”.
Khi thực hiện nộp khoản tiền này vào Kho bạc Nhà nước, đơn vị lập bảng kê theo quy định tại Quyết định số 2030/QĐ-BTP ngày 30/9/2020 của Bộ Tư pháp ban hành Danh mục biểu mẫu chứng từ, báo cáo kế toán nghiệp vụ THADS và Quy trình in ấn, quản lý, sử dụng biên lai thu tiền THA theo quy định tại Thông tư số 78/2020/TT-BTC ngày 14/8/2020 của Bộ Tài chính hướng dẫn kế toán nghiệp vụ THADS. Do đó, trường hợp Cơ quan THADS chỉ nộp một phần tiền tạm ứng án phí vào tài khoản tạm giữ tại Kho bạc sẽ không khớp với số tiền đã thu tại Biên lai thu thực tế, dẫn đến số liệu kế toán ghi chép không chính xác, không xác định được các khoản tiền đã nộp vào tài khoản tạm giữ tại Kho bạc là của vụ việc nào, các khoản còn lại của vụ việc nào.
Việc thu - nộp đúng tiền tạm ứng án phí còn phục vụ cho việc hoàn lại tạm ứng án phí hoặc gửi tiết kiệm theo quy định(sau khi có quyết định THA, Cơ quan THADS thực hiện kết chuyển tiền tạm ứng án phí sang tiền thực hiện nghĩa vụ THA;nếu còn thừa tiền hoặc trường hợp không phải chịu án phí, được Tòa án tuyên hoàn lại tạm ứng án phí thì Cơ quan THADS phải thực hiện chi trả cho người đã nộp tạm ứng, nếu người đó chưa đến để nhận lại thì số tiền đó phải được gửi tiết kiệm theo quy định).
Khi phát hiện vi phạm nêu trên, VKS cần kịp thời thực hiện quyền kiến nghị, yêu cầu Cơ quan THADS khắc phục, thực hiện nộp 100% tiền tạm ứng án phí, tạm ứng lệ phí Tòa án thu được vào tài khoản tạm thu ngân sách nhà nước tại Kho bạc Nhà nước theo quy định.
17. Hiện nay, việc nhận thức quy định tại khoản 4, 5 Điều 4 Thông tư số 216/2016/TT-BTC về việc “đương sự tự giao, nhận tiền, tài sản cho nhau” còn có nhiều cách hiểu khác nhau nên khó khăn trong việc xác định mức thu phí THA. Đề nghị hướng dẫn cụ thể?
Trả lời: Nội dung quy định tại khoản 4, 5 Điều 4 Thông tư 216/2016/TT-BTC đã được Tổng cục THADS- Bộ Tư pháp hướng dẫn tại Công văn số 49/TCTHADS-NV1 ngày 06/01/2022, cụ thể như sau: “Theo quy định tại khoản 4, khoản 5 Điều 4 Thông tư 216/2016/TT-BTC ngày 10/11/2016 của Bộ Tài chính thì về nguyên tắc, Cơ quan THADS cần thực hiện xong việc cưỡng chế thì mới tiến hành thu 100% mức phí theo quy định. Do đó, đối với các vụ việc mà Cơ quan THADS chưa ban hành quyết định cưỡng chế hoặc đã ban hành rồi nhưng đương sự tự nguyện giao tài sản thì Cơ quan THADS chỉ thu 1/3 mức phí theo quy định”.
Trong quá trình kiểm sát, VKSND các cấp cần nghiên cứu nội dung hướng dẫn nêu trên của Tổng cục THADS để xác định vi phạm của Cơ quan THADS trong việc thu phí THA.
18. Việc chưa xác định được địa chỉ của người phải THA là căn cứ ra quyết định chưa có điều kiện hay căn cứ hoãn THA. Tại điểm c khoản 1 Điều 44a Luật THADS quy định về điều kiện xác định việc chưa có điều kiện THA là: “Chưa xác định được địa chỉ, nơi cư trú của người phải THA,…”. Trong khi đó, tại điểm b khoản 1 Điều 48 Luật này cũng quy định một trong những điều kiện ra quyết định hoãn THA là “Chưa xác định được địa chỉ của người phải THA…”. Như vậy, có sự chồng chéo trong quy định của pháp luật, dẫn đến việc Cơ quan THADS có thể tự mình lựa chọn ra quyết định hoãn THA hoặc ra quyết định xác định việc chưa có điều kiện THA. Đề nghị hướng dẫn cụ thể?
Trả lời: Quy định tại điểm c khoản 1 Điều 44a và điểm b khoản 1 Điều 48 Luật THADS tuy có cùng nội dung “Chưa xác định được địa chỉ, nơi cư trú của người phải THA,…”. Tuy nhiên, theo quy định tại khoản 3 Điều 9 Nghị định số 62/2015: “3. Trường hợp chưa xác định được địa chỉ và tài sản của người phải THA hoặc chưa xác định được địa chỉ của người phải THA mà theo bản án, quyết định họ phải tự mình thực hiện nghĩa vụ thì Thủ trưởng Cơ quan THADS ra quyết định về việc chưa có điều kiện THA. Quyết định về việc chưa có điều kiện THA phải ghi rõ việc THA bị hoãn theo điểm b khoản 1 Điều 48 Luật THADS”.
Như vậy, khi chưa xác định được địa chỉ của người phải THA, Cơ quan THADS không áp dụng điểm b khoản 1 Điều 48 Luật THADS để ra Quyết định hoãn THA, mà căn cứ vào điểm c khoản 1 Điều 44a để ra Quyết định về việc chưa có điều kiện THA và trong Quyết định về việc chưa có điều kiện THA phải ghi rõ việc THA bị hoãn theo điểm b khoản 1 Điều 48 Luật THADS. Đồng thời, Cơ quan THADS phải thực hiện việc thống kê loại việc này vào mục án chưa có điều kiện thi hành. (Còn nữa).

Hải Dương

CÁC TIN KHÁC

Tin mới nhất

Thứ 2, 09/9/2024:

07h30:

- Chào cờ và nghe các câu chuyện về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

08h15:

- Họp giao ban Lãnh đạo Viện.

09h30:

- Đ/c Thảo - PVT làm việc với đội thi “Báo cáo án bằng sơ đồ tư duy” (tại phòng họp).

13h30:

- Đ/c Thảo - PVT và Phòng 8 công bố Quyết định trực tiếp kiểm sát tại Trại giam Xuân Phước.

14h00:

- Đ/c Thanh - PVT nghe Phòng 1 báo cáo án.

 

Thứ 3, 10/9/2024: 

08h00:  

- Đ/c Viện trưởng tham gia Đoàn giám sát của Ban pháp chế HĐND tỉnh tại huyện Phú Hòa.

- Hội nghị trực tuyến tập huấn xây dựng sơ đồ tư duy trong THQCT; kiểm sát việc khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án hình sự do VKSND tối cao tổ chức (tại Hội trường; thành phần: Lãnh đạo Viện; Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên, Chuyên viên).

14h00:

- Họp Ban Chấp hành Công đoàn (tại phòng họp).

 

Thứ 4, 11/9/2024: 

07h30:

- Đ/c Thảo - PVT và Phòng 8 đi công tác ngoài tỉnh.

08h00: 

- Đ/c Viện trưởng dự Hội nghị Tỉnh ủy.

- Đ/c Thanh - PVT dự Hội nghị tại Ban Tổ chức Tỉnh ủy.

- Đ/c Liên - PVT nghe Phòng 9 báo cáo án. 

13h30: 

- Đ/c Viện trưởng tham gia Đoàn giám sát của Ban pháp chế HĐND tỉnh tại huyện Tuy An. 

 

Thứ 5, 12/9/2024:  

08h00:

- Đ/c Viện trưởng tham gia Đoàn giám sát của Ban pháp chế HĐND tỉnh tại Sở Nội vụ.

- Đ/c Thanh - PVT nghe Phòng 1 báo cáo án.

- Đ/c Liên - PVT nghe Phòng 9 báo cáo án.

13h30:

- Đ/c Thảo – PVT và Phòng 8 trực tiếp kiểm sát tại Trại giam Xuân Phước.

14h00:

- Đ/c Viện trưởng dự họp tại HĐND tỉnh.

 

Thứ 6, 13/9/2024:

08h00:

- Đ/c Thanh - PVT nghe Phòng 1 báo cáo án.

- Đ/c Thảo - PVT nghe Phòng 7 báo cáo công tác.

13h30:

- Đ/c Thảo – PVT và Phòng 8 trực tiếp kiểm sát tại Phân trại Bình Sơn (K3) thuộc Trại giam Xuân Phước.

 

Thứ 7, 14/9/2024: 

Phân công trực cơ quan

 

Chủ nhật, 15/9/2024:

Phân công trực cơ quan