Hiện nay, Luật tố cáo cũng như các luật khác điều chỉnh về giải quyết tố cáo trong hoạt động tư pháp chỉ quy định việc xử lý trường hợp người khiếu nại rút đơn khiếu nại, không quy định việc xử lý trường hợp người tố cáo rút đơn tố cáo. Do đó, đã có những cách hiểu và áp dụng khác nhau trên thực tế. Tuy nhiên, các văn bản pháp luật hiện hành đều quy định nếu thấy hành vi bị tố cáo có dấu hiệu tội phạm thì phải xử lý theo quy định của pháp luật về hình sự và tố tụng hình sự.
Vì vậy, trong mọi trường hợp, dù người tố cáo rút đơn, thì cơ quan có thẩm quyền giải quyết tố cáo vẫn phải xem xét, kết luận; nếu hành vi bị tố cáo vi phạm ở mức độ hành chính thì xử lý theo quy định của pháp luật về xử lý quy phạm hành chính hoặc vi phạm kỷ luật; nếu có dấu hiệu tội phạm thì xử lý theo quy định của Bộ luật hình sự và Bộ luật tố tụng hình sự; xử lý như vậy sẽ hạn chế được việc bỏ lọt hành vi vi phạm pháp luật nói chung và hành vi phạm tội nói riêng. Ở đây, cần chú ý phân biệt với loại đơn yêu cầu khởi tố đối với các tội khởi tố theo yêu cầu của người bị hại theo quy định tại Điều 105 BLTTHS.
Tuấn Minh