Thứ Ba, 16/04/2024 21:00 CH

Một số giải pháp, kỹ năng nhằm nâng cao chất lượng công tác luận tội, tranh luận tại phiên tòa xét xử án hình sự


Ảnh minh họa

Xuất phát từ những cơ sở lý luận về khái niệm, mục đích, ý nghĩa, yêu cầu của luận tội, tranh luận và thực trạng việc luận tội, tranh luận của KSV trong những năm qua, để nâng cao chất lượng luận tội, tranh luận trong thời gian tới cần tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp,kỹ năng sau:

 1- Tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm túc Nghị quyết 08-NQ/TW ngày 02-01-2002  và Nghị quyết 49-NQ/TW ngày 02-06-2005 của Bộ Chính trị 

Công tác tư pháp nói chung, công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử các vụ án hình sự nói riêng phải thực hiện đúng đường lối, chủ trương của Đảng, bám sát và phục vụ kịp thời, có hiệu quả các nhiệm vụ chính trị tại địa phương; phải ngăn ngừa có hiệu quả và xử lý nghiêm các loại tội phạm, đặc biệt là các tội xâm phạm an ninh quốc gia, tội tham nhũng, tội phạm có tổ chức… bảo vệ trật tự, kỷ cương, bảo đảm và tôn trọng quyền dân chủ, quyền, lợi ích hợp pháp của các tổ chức và công dân, phục vụ đắc lực công cuộc đổi mới, thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội…


Viện kiểm sát phải nắm vững và thực hiện tốt chức năng công tố và kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong hoạt động tư pháp giải quyết án hình sự. Hoạt động công tố phải được thực hiện ngay từ khi khởi tố vụ án và duy trì trong suốt quá trình tố tụng nhằm bảo đảm không bỏ lọt tội phạm và người phạm tội, không làm oan người vô tội, góp phần xử lý kịp thời những trường hợp sai phạm của những người tiến hành tố tụng khi thi hành nhiệm vụ. Nâng cao chất lượng công tố của kiểm sát viên tại phiên tòa, bảo đảm tranh tụng dân chủ với bị cáo, luật sư, người bào chữa và những người tham gia tố tụng khác. Không ngừng nâng cao chất lượng tranh tụng, coi đây là khâu đột phá của hoạt động tư pháp…Kiểm sát viên cần có sự chuyển biến về nhận thức việc tranh luận tại phiên tòa theo tinh thần Nghị quyết 08-NQ/TW và Nghị quyết 49-NQ/TW của Bộ chính trị. 


2- Nâng cao trách nhiệm của Kiểm sát viên trong việc nghiên cứu hồ sơ vụ án

Kiểm sát viên thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử tại phiên tòa là thực hiện nhiệm vụ và quyền hạn của VKSND, bảo đảm cho việc truy tố đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không bỏ lọt tội phạm và người phạm tội, không làm oan người vô tội, bảo đảm việc xét xử của Tòa án đúng pháp luật, nghiêm minh, kịp thời. Kiểm sát viên phải làm tốt việc nghiên cứu hồ sơ vụ án, lập hồ sơ kiểm sát án hình sự theo đúng Quyết định số 07/QĐ-VKSTC-V3 của VKSNDTC và thực hiện đầy đủ các thao tác nghiệp vụ ở giai đoạn chuẩn bị xét xử theo đúng quy định của Quy chế công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử hình sự.


Kinh nghiệm cho thấy, khi nghiên cứu hồ sơ vụ án phải trích cứu và xem xét đầy đủ, toàn diên các chứng cứ xác định tội phạm, tính chất, mức độ và hậu quả do hành vi phạm tội gây ra, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, các tình tiết về nhân thân bị cáo, vận dụng pháp luật ( BLHS, BLTTHS… ) để đề xuất quan điểm xử lý phù hợp …Chỉ khi nghiên cứu, nắm vững hồ sơ vụ án, Kiểm sát viên mới có thể thực hiện tốt các thao tác nghiệp vụ tiếp theo tại phiên tòa, giúp Kiểm sát viên chủ động tham gia xét hỏi và tranh luận đạt hiệu quả cao.


Việc nghiên cứu, nắm vững hồ sơ vụ án là yêu cầu thường xuyên, mang tính quyết định của Kiểm sát viên khi thực hành quyền công tố tại phiên tòa. Trong mọi trường hợp, Kiểm sát viên đều phải làm tốt nhiệm vụ này, ngay cả đối với những vụ án quả tang, đơn giản, chứng cứ rõ ràng cũng không cho phép Kiểm sát viên bỏ qua việc nghiên cứu hồ sơ vụ án, lập hồ sơ kiếm sát án hình sự theo quy định. Qua nghiên cứu hồ sơ, phải xác định được những vấn đề đã rõ, những vấn đề chưa rõ và những vi phạm trong quá trình giải quyết vụ án để kịp thời đề xuất biện pháp sửa chữa, khắc phục, bảo đảm hồ sơ vụ án đưa ra xét xử phải thực sự hoàn thiện, giúp Kiểm sát viên tự tin, chủ động trong việc thực hành quyền công tố, trong tranh luận để bảo vệ quan điểm đúng đắn của VKS.


3- Kỹ năng viết luận tội

Theo hướng dẫn của VKSNDTC, cơ cấu bản luận tội gồm 03 phần: Phần mở đầu; Phần nội dung; Phần kết luận.


- Phần mở đầu:

Phần này cần trình bày những vấn đề sau:

+ Mở đầu bản luận tội là câu: “ Thưa Hội đồng xét xử”.

+ Tiếpđo, KSV tự giới thiệu về mình là đại diện VKSND… thực hành quyền công tố tại phiên tòa đểphát biểu quan điểm của VKS vềđường lối xử lý vụ án.

+ Nêu mục đích, ý nghĩa, yêu cầu và tầm quan trọng của việc đưa vụ án ra xét xử.

Chú ý: Phần mở đầu viết ngắn gọn, không đi vào nội dung vụ án.


- Phần nội dung:

Đây là phần quan trọng của luận tội. KSV phải chuẩn bị ky, có chất lượng, nhất là khi xét xử các vụ án trọng diểm, án phức tạp, án xét xử lưu động.

Nội dung phần này trình bày như nội dung của luận tội đã nêu tại điểm 1.3 Phần thứ nhất.

Chú ý: Không nhất thiết lúc nào KSV cũng phải viết tuần tự hoặc viết đầy đủ các mục như nêu ở phần trên của luận tội. Chẳng hạn, phần phân tích những sơ hở, thiếu sót trong quản lý kinh tế, quản lý xã hội để kiến nghị phòng ngừa có thể viết sau phần đề xuất quan điểm xử lý vụ án hoặc không viết phần này trong các vụ án trộm cắp, tham ô tài sản đơn giản… Vấn đề quan trọng là ở chỗ thể hiện sao cho các phần của bản luận tội có tính lôgíc, phần trước liên quan đến phần sau, phần sau bổ sung cho phần trước…


- Phần kết luận:

Đây là phần cuối của bản luận tội. Nội dung có thể trình bày một cách linh hoạt, nhưng chủ yếu là lưu ý HĐXX về yêu cầu, mục đích… của việc xét xử vụ án để tuyên một bản án đúng người, đúng tội, dúng pháp luật.

Phần này viết ngắn gọn.


4- Kỹ năng tranh luận, đối đáp của Kiểm sát viên tại phiên tòa

Tranh luận tại phiên tòa là một giai đoạn trọng tâm, thể hiện vai trò của Kiểm sát viên thực hành quyền công tố, đồng thời là hoạt động giúp Hội đồng xét xử có cơ sở khi nghị án, tuyên bản án đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Để việc tranh luận của Kiểm sát viên đạt chất lượng, hiệu quả theo đúng tinh thần Nghị quyết 08-NQ/TW, trước hết Kiểm sát viên phải xác định được những vấn đề chủ yếu cần phải tranh luận. Đó là: Đánh giá việc kiểm tra, xem xét chứng cứ tại phiên tòa đã đầy đủ, khách quan, toàn diện chưa. Có những ý kiến nào mâu thuẫn mà quá trình xét hỏi đã thể hiện không. Cơ sở buộc tội bị cáo trong bản luận tội đã bảo đảm vững chắc chưa, có vấn đề gì cần phải xem xét lại hay không. Việc áp dụng chính sách hình sự, những tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ nào cần lưu ý. Việc đề xuất hình phạt đã phù hợp với tính chất, mức độ phạm tội của bị cáo, phù hợp với các quy định của pháp luật không… Như vậy, Kiểm sát viên phải dánh giá chứng cứ vụ án một cách khách quan, toàn diện, đầy đủ; phải kiểm tra tính hợp pháp và có căn cứ của những tài liệu, chứng cứ được thu thấp trong quá trình điều tra; phải kiểm tra, đối chiếu các tài liệu, chứng cứ đó tại phiên tòa.


Đối đáp là việc các bên tham gia tranh luận đưa ra những vấn đề và ý kiến thể hiện quan điểm của mình để trả lời những vấn đề và ý kiến mà bên kia đưa ra.Theo Điều 218 BLTTHS: bị cáo, người bào chữa và những người tham gia tố tụng khác có quyền trình bày ý kiến về luận tội của KSV và đưa ra đề nghị của mình. KSV phải đưa ra những lập luận của mình đối với từng ý kiến. Như vậy, đối đáp là trách nhiệm và nghĩa vụ của KSV. Khi những người tham gia tố tụng có ý kiến khác với nội dung luận tội, KSV có trách nhiệm chủ động đưa ra những lập luận của mình đối với từng ý kiến, tuyệt đối không được lảng tránh việc đối đáp bằng việc giữ nguyên quan điểm truy tố. Sự chủ động trong đối đáp đòi hỏi KSV phải nắm vững nội dung vụ án, nắm vững các quy định của pháp luật. KSV phải chú ý lắng nghe bị cáo, luật sư và những người tham gia tố tụng khác trình bày quan điểm, ý kiến của họ, vừa nghe, vừa ghi tóm tắt lại để nắm được nội dung vấn đề. Sau khi đã nghe ý kiến bào chữa, KSV cần xác định nhanh nội dung cần đối đáp.   


Thông thường, lời bào chữa của bị cáo, luật sư của bị cáo thường đưa ra những vấn đề thiếu sót, những nội dung không đồng ý trong Cáo trạng và luận tội mà KSV trình bày tại phiên tòa. KSV không được bảo thủ bảo vệ những thiếu sót đó, đồng thời phải bình tĩnh lựa chọn phương án đối đáp, mặt khác cũng cần kiên quyết bảo vệ những nội dung đúng đắn của Cáo trạng, luận tội. Khi tranh luận, KSV phải đối đáp lại một cách dứt khoát, không vòng vo, né tránh. Các ý kiến đối đáp phải dựa trên những căn cứ pháp luật và các chứng cứ, tài liệu có trong hồ sơ vụ án, đã được xem xét công khai tại phiên tòa.    


Quá trình tranh luận, Kiểm sát viên phải nâng cao trình độ văn hóa ứng xử. Tại phiên tòa, địa vị pháp lý của KSV thể hiện ở 03 phương diện: KSV vừa là người thay mặt Nhà nước thực hành quyền công tố, vừa là người kiểm sát việc tuân theo pháp luật của HĐXX và những người tham gia tố tụng; vừa là người áp dụng pháp luật. Vì vậy, KSV cần thể hiện tính văn hóa ứng xử phù hợp với những tình huống phát sinh trong khi tranh luận. Trong mọi trường hợp, KSV không được có những hành vi, cử chỉ mang tính coi thường, xúc phạm bị cáo, người bào chữa. Ngôn từ sử dụng khi tranh luận phải thể hiện tính văn minh, lịch sự, thật sự tôn trọng không dùng những từ ngữ mang tính miệt thị, thái độ cay cú, cáu gắt, quát nạt…


Nội dung tranh luận phải bảo đảm chính xác và có sức thuyết phục cao. Bởi vì, Kiểm sát viên tranh luận tại phiên tòa xét xử các vụ án hình sự là nhằm phân tích, đánh giá chứng cứ, tài liệu đã được kiểm tra qua hoạt động xét hỏi công khai tại phiên tòa, góp phần cùng Hội đồng xét xử tuyên bản án có căn cứ, đúng pháp luật. Nội dung tranh luận của Kiểm sát viên có bảo đảm chính xác và có sức thuyết phục còn có ý nghĩa không chỉ để bảo vệ công lý, bảo vệ pháp luật mà còn được nhân dân và những người tham dự phiên tòa đồng tình, ủng hộ.  


Chất lượng tranh luận tại phiên tòa của Kiểm sát viên phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó một yếu tố rất quan trọng là kỹ năng tranh luận. Vì vậy, nâng cao kỹ năng tranh luận tại phiên tòa là một yêu cầu đặt ra, đòi hỏi Kiểm sát viên phải nhận thức đúng đắn trách nhiệm của mình đối với các quyết định do mình đưa ra và phải chịu trách nhiệm trước Viện trưởng, trước pháp luật về những quyết định đó, đặc biệt là việc kết luận bị cáo về tội nhẹ hơn, về khung hình phạt nhẹ hơn hoặc thay đổi việc đề nghị mức hình phạt đối với bị cáo…


5- Không ngừng nâng cao trình độ của Kiểm sát viên 

VKSND thực hiện chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử các vụ án hình sự, bảo đảm cho việc xét xử của Toà án đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, nghiêm minh, kịp thời. Để thực hiện tốt chức năng này, trước hết VKSND các cấp phải quan tâm, lựa chọn, bồi dưỡng, đào tạo đội ngũ KSV nói chung, KSV làm  nhiệm vụ thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử các vụ án hình sự nói riêng, bảo đảm vừa có trình độ, năng lực, phẩm chất đạo đức, vừa có trách nhiệm cao, thực hiện tốt lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “ Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn”. Thực hiện tốt cuộc vận động, xây dựng đội ngũ cán bộ, Kiểm sát viên “ Vững về chính trị, giỏi về nghiệp vụ, tinh thông về pháp luật, công tâm và bản lĩnh, kỷ cương về trách nhiệm”. Mỗi KSV làm công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử các vụ án hình sự cần phải thường xuyên rèn luyện, học tập nhằm không ngừng nâng cao trình độ về mọi mặt, trong đó đặc biệt chú ý đến việc rèn luyện kỹ năng viết, kỹ năng nói, đồng thời phải nhạy bén, linh hoạt, kịp thời ứng phó với mọi tình huống xảy ra tại phiên tòa.


Hồ Ngọc Thảo

CÁC TIN KHÁC

Tin mới nhất

Thứ 2, 15/4/2024:

07h30:

- Chào cờ và nghe các câu chuyện về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

09h00:

- Đ/c Liên - PVT nghe Phòng 9 báo cáo án.

 

Thứ 3, 16/4/2024: 

08h00:

- Đ/c Thanh - PVT nghe Phòng 1 báo cáo án. 

- Đ/c Liên - PVT nghe Phòng 9 báo cáo án.

- Đ/c Thảo - PVT nghe Phòng 7 báo cáo án.

 

Thứ 4, 17/4/2024: 

08h00:

- Đ/c Viện trưởng họp HĐND tỉnh (cả ngày). 

- Đ/c Thanh - PVT nghe Phòng 1 báo cáo án.

- Đ/c Liên - PVT nghe Phòng 9 báo cáo án.

14h00:

- Đ/c Thảo - PVT và Phòng 8 công bố kết luận trực tiếp kiểm sát tại Trại giam Xuân Phước.

15h00:

- Tổng vệ sinh cơ quan (từ 15h00 dọn trong phòng làm việc, hành lang; từ 16h00 tập trung dọn phòng đọc báo, khuôn viên cơ quan).

 

Thứ 5, 18/4/2024:  

Nghỉ Lễ Giỗ tổ Hùng Vương

Phân công trực nghiệp vụ, trực cơ quan

 

Thứ 6, 19/4/2024:

08h00:

- Hội nghị tập huấn công tác tổ chức cán bộ (cả ngày). Thành phần: Lãnh đạo Viện và toàn thể công chức, người lao động.

 

Thứ 7, 20/4/2024: 

Phân công trực cơ quan  

 

Chủ nhật, 21/4/2024:

 

Phân công trực cơ quan