Trang Thông tin điện tử VKSND tỉnh tiếp tục giới thiệu một số nội dung hướng dẫn của VKSND tối cao về hoạt động phát biểu của Kiểm sát viên khi tham gia phiên tòa xét xử đối với một số loại án có tính điển hình, xảy ra phổ biến và thường có sai sót trên thực tế.
Yêu cầu đặt ra đối với Kiểm sát viên là cần nghiên cứu, vận dụng để nâng cao chất lượng phát biểu. Quá trình nghiên cứu, vận dụng, tùy vào đặc điểm cụ thể của mỗi loại án và yêu cầu của đương sự, Kiểm sát viên bám sát vào hồ sơ vụ án cụ thể để phát biểu cho chính xác, toàn diện.
…7. Vụ án “Tranh chấp hợp đồng xây dựng”
Đối với loại tranh chấp này, phát biểu của Kiểm sát viên tại phiên tòa tập trung vào những vấn đề sau:
- Hợp đồng xây dựng, phụ lục hợp đồng xây dựng (nội dung về từng hạng mục xây dựng, giá cả (bao gồm giá thi công hay gồm cả thi công và cung cấp vật liệu), phương thức tạm ứng và thanh toán, phương thức nghiệm thu, việc bảo hành, bảo trì công trình, về giám sát thi công xây dựng ...);
- Hồ sơ thiết kế công trình, nhật ký công trình;
- Biên bản xác nhận khối lượng công trình, thông báo nghiệm thu, biên bản nghiệm thu từng hạng mục công trình, nghiệm thu toàn bộ công trình, biên bản đối chiếu công nợ;
- Hóa đơn giá trị gia tăng, các chứng từ thanh toán khác;
- Hồ sơ về thiệt hại ngoài hợp đồng, các tài liệu thể hiện việc chấm dứt hợp đồng do sự kiện bất ngờ hoặc ngoài ý muốn của nhà thầu...;
- Hồ sơ quyết toán toàn bộ công trình giữa nhà thầu và chủ đầu tư.
Các dạng tranh chấp thường thấy là vi phạm nghĩa vụ thanh toán, thi công không đúng thiết kế, không đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng công trình, kéo dài tiến độ thi công công trình, không chấp hành lệnh thay đổi của chủ đầu tư dẫn đến tổn thất kinh tế hoặc kéo dài ngày công, không thanh toán đúng tiến độ, khối lượng công việc... Liên quan đến việc xác định tính chất, mức độ lỗi trong vi phạm hợp đồng xây dựng của các bên và các yêu cầu bồi thường thiệt hại, phạt vi phạm, Kiểm sát viên xem xét, phát biểu phải lưu ý về sự cần thiết phải có kết quả giám định của cơ quan chuyên môn theo quy định tại Luật Giám định tư pháp trong việc xem xét, đánh giá chất lượng công trình, để từ đó xác định tính chất, mức độ lỗi và xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại và phạt vi phạm hợp đồng.
Khi xem xét mức phạt do vi phạm hợp đồng trong lĩnh vực xây dựng cần lưu ý áp dụng luật chuyên ngành là Luật Xây dựng năm 2014 (khoản 2 Điều 146) và Nghị định số 37/2015/NĐ-CP ngày 22/4/2015 quy định chi tiết về hợp đồng xây dựng có mức phạt vi phạm tối đa không quá 12% giá trị vi phạm.
Việc áp dụng pháp luật khi phát biểu, Kiểm sát viên phải lưu ý áp dụng Luật chuyên ngành là Luật Xây dựng, các văn bản hướng dẫn thi hành (nay là Luật Xây dựng năm 2014, Nghị định số 37/2015/NĐ-CP quy định chi tiết về hợp đồng xây dựng...) và các luật chuyên ngành về giám định ...
8. Vụ án “Tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa”
Khi phát biểu, Kiểm sát viên cần chú ý xác định rõ tranh chấp cụ thể trong lĩnh vực này thuộc trường hợp nào trong các tranh chấp sau:
- Bên bán chậm giao hàng, hoặc giao hàng không đầy đủ;
- Bên mua chậm nghĩa vụ thanh toán, hoặc thanh toán không đầy đủ;
- Giao hàng không đúng số lượng, chất lượng, chủng loại...
Khi phát biểu, Kiểm sát viên phải chú ý:
- Hình thức của hợp đồng: Hợp đồng mua bán hàng hóa bằng văn bản, giao dịch điện tử, fax hay bằng lời nói.
- Nội dung của hợp đồng: Thông tin các bên tham gia hợp đồng, thời điểm mua bán, số lượng, chất lượng hàng hóa, việc giám định chất lượng hàng hóa (nếu có); có thỏa thuận lãi chậm thanh toán không, nếu có lãi thì thỏa thuận của các bên về lãi có đúng quy định của pháp luật không, lưu ý có nhiều trường hợp trong một vụ án có nhiều thỏa thuận lãi suất vi phạm pháp luật9, có thỏa thuận về phạt vi phạm không, mức thỏa thuận có đúng quy định pháp luật không10; phương thức giao hàng, địa điểm giao hàng, trách nhiệm của người vận chuyển, thời hạn giao hàng, hàng hóa phù hợp với hợp đồng, khắc phục giao hàng thiếu, thừa, bàn giao chứng từ, kiểm tra chất lượng hàng hóa (giá trị pháp lý của chứng thư giám định đối với bên yêu cầu giám định, đối với các bên trong hợp đồng theo Điều 261, 262 Luật Thương mại năm 2005); việc chuyển quyền sở hữu và thời điểm xác định rủi ro, phương thức thanh toán, đồng tiền thanh toán, người đại diện ký kết hợp đồng, người nhận hàng hóa có được phân công, ủy quyền nhận hàng không ... theo quy định của Luật Thương mại năm 2005 từ Điều 34 đến Điều 44 và các điều khoản khác liên quan.
- Đối với hợp đồng mua bán hàng hóa ngoại thương cần chú ý xem xét về thẩm quyền giải quyết (vì đối tác nước ngoài thường hay thỏa thuận chọn Trọng tài thương mại giải quyết khi có tranh chấp phát sinh), việc hợp pháp lãnh sự các tài liệu, chứng cứ...
- Những vấn đề khác có liên quan đến việc mua bán hàng hóa như hợp đồng vận chuyển, hợp đồng bảo hiểm...
- Xác định lỗi của các bên trong việc vi phạm hợp đồng...
Kiểm sát viên khi phát biểu cần lưu ý, khác với những hợp đồng mua bán hàng hóa phục vụ sinh hoạt thông thường có tính đơn giản, đối với những hợp đồng mua bán hàng hóa có tính thương mại, hàng hóa có số lượng lớn, đa dạng chủng loại (như mua bán những lô hàng nông sản lớn, mua bán những lô hàng máy móc thiết bị lớn...), thì hợp đồng mua bán hàng hóa càng phức tạp hơn nhiều, cần phải nắm sát những nội dung trên để phát biểu đầy đủ, toàn diện, chi tiết…(còn nữa)
THU ANH