Thứ Bảy, 20/04/2024 14:49 CH

Một số kinh nghiệm qua công tác THQCT và KSXX tại các phiên tòa rút kinh nghiệm

Qua thực tiễn THQCT và KSXX tại các phiên tòa rút kinh nghiệm ở đơn vị, bản thân tôi nhận thấy để các phiên tòa rút kinh nghiệm đạt hiệu quả cao, giúp cho các Kiểm sát viên ngày càng hoàn thiện các kỹ năng nghiệp vụ, nhất là việc xét hỏi, tranh luận tại các phiên tòa, đáp ứng được yêu cầu của cải cách tư pháp trong tình hình mới thì cần thực hiện tốt những nội dung sau đây:

Một là: Để đảm bảo các phiên tòa rút kinh nghiệm đạt chất lượng, hiệu quả thì ngay từ quá trình kiểm sát điều tra Kiểm sát viên đã phải dự kiến các vụ án cụ thể để định hướng cho việc chọn làm phiên tòa rút kinh nghiệm sau này. Việc lựa chọn ngay từ đầu có ý nghĩa rất quan trọng, nó giúp các Kiểm sát viên chủ động hơn, nắm chắc vụ án hơn, những vấn đề gì cần làm rõ Kiểm sát viên sẽ yêu cầu Cơ quan điều tra làm rõ trong quá trình điều tra vụ án. Những vụ án Kiểm sát viên cần lưu ý để chọn rút kinh nghiệm nên là các vụ án có người bào chữa tham gia, có nhiều tình tiết cần tranh luận; không nên chọn những vụ án có tính chất đơn giản và cũng không chọn những vụ có tính chất quá phức tạp.


Hai là:
Nghiên cứu thật kỹ hồ sơ vụ án: Kiểm sát viên tham gia phiên toà phải trực tiếp nghiên cứu toàn bộ hồ sơ của vụ án để nắm rõ nội dung vụ án, diễn biến hành vi phạm tội của bị cáo, đồng thời nắm vững các chứng cứ buộc tội và cả chứng cứ gỡ tội. Qua nghiên cứu hồ sơ, nhân thân bị cáo còn phải nắm đầy đủ các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự theo đúng quy định pháp luật(cần lưu ý một số tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự mà có một số quan điểm khác nhau khi áp dụng, trong trường hợp này nên trao đổi với phòng nghiệp vụ Viện KSND tỉnh để có định hướng áp dụng phù hợp, đảm bảo quy định pháp luật). Ngoài ra, một nội dung cũng rất quan trọng trong các vụ án hình sự mà các Kiểm sát viên hay xem nhẹ đó là các yêu cầu về bồi thường thiệt hại, trách nhiệm dân sự trong vụ án hình sự cũng cần phải được xem xét đầy đủ, toàn diện, có như vậy sẽ tránh việc lúng túng khi xét xử tại phiên tòa. Khi nghiên cứu hồ sơ phải phân tích, đánh giá tổng hợp vụ án, việc áp dụng các điều, khoản của Bộ luật Hình sự, Bộ luật Dân sự để chuẩn bị thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử tại phiên toà. Quá trình nghiên cứu hồ sơ vụ án, Kiểm sát viên cần phải trích cứu đầy đủ, có tính logic, trung thực lời khai của bị can, của những người tham gia tố tụng và các tài liệu, chứng cứ khác liên quan được thu thập trong hồ sơ vụ án.


Ba là:
Kiểm sát chặt chẽ việc chuẩn bị xét xử của Toà án và chủ động trao đổi với Thẩm phán chủ tọa phiên tòa. Sau khi chuyển hồ sơ cho Tòa án để đưa ra xét xử, Kiểm sát viên phải bám sát và kiểm sát chặt chẽ việc tuân theo pháp luật của Toà án về thời hạn chuẩn bị xét xử, việc ra các quyết định như Quyết định áp dụng thay đổi hoặc huỷ bỏ biện pháp ngăn chặn, quyết định đưa vụ án ra xét xử…và việc giao các quyết định này phải đảm bảo theo Điều 182 Bộ luật Tố tụng Hình sự. Bên cạnh đó Kiểm sát viên phải chủ động trao đổi với Thẩm phán được phân công chủ tọa phiên tòa trong giai đoạn chuẩn bị xét xử về việc chọn vụ án tổ chức phiên tòa rút kinh nghiêm để đảm bảo mọi thủ tục đều tiến hành đúng theo quy định pháp luật, tránh những sai sót, vi phạm trước khi phiên tòa rút kinh nghiệm diễn ra.


Bốn là:
Kiểm sát chặt chẽ việc chấp hành thủ tục tố tụng tại phiên toà. Kiểm sát viên phải kiểm sát việc chấp hành các thủ tục tố tụng tại phiên toà của Hội đồng xét xử, thư ký Toà án và những người tham gia tố tụng từ khi bắt đầu đến khi kết thúc phiên toà, nhằm bảo đảm quyền lợi và nghĩa vụ của những người tham gia tố tụng, bảo đảm cho việc xét xử được công minh, khách quan, đúng pháp luật.


Năm là:
Đối với việccông bố cáo trạng và tham gia xét hỏi tại phiên tòa. Trong các phiên tòa mà đặc biệt là đối với phiên tòa rút kinh nghiệm theo tinh thần cải cách tư pháp thì vấn đề công bố Cáo trạng cũng rất quan trọng. Để đọc cáo trạng được mạch lạc, rõ ràng và hùng hồn, thể hiện được uy quyền công tố nhà nước trước HĐXX, trước phiên tòa, Kiểm sát viên phải có sự chuẩn bị kỹ càng, chu đáo, phải tập đọc trước để điều chỉnh giọng điệu, âm lượng và phong thái cho phù hợp. Bên cạnh đó Kiểm sát viên còn phải đảm bảo sức khỏe tốt để tham gia phiên tòa.



Kiểm sát viên THQCT và KSXX tại phiên tòa.


Đối với việc tham gia xét hỏi: việc tham gia xét hỏi là bắt buộc đối với Kiểm sát viên nên trước khi tham gia phiên toà Kiểm sát viên phải dự thảo đề cương tham gia xét hỏi và những nội dung cần làm sáng tỏ, dự kiến các tình huống khác có thể phát sinhtại phiên toà để tham gia xét hỏi nhằm xác định sự thật của vụ án và các tình tiết khác có liên quan đến việc định tội và đề xuất hình phạt. Chú ý các mâu thuẫn và cách xét hỏi để giải quyết các mâu thuẫn, để bác bỏ những lời chối tội không có cơ sở; dự kiến nội dung bào chữa và chuẩn bị các câu hỏi để làm sáng tỏ vấn đề mà người bào chữa quan tâm.


Tại phiên toà Kiểm sát viên phải theo dõi, ghi chép đầy đủ nội dung xét hỏi của Hội đồng xét xử, của người bào chữa và ý kiến trả lời của người được xét hỏi để chủ động tham gia xét hỏi làm sáng tỏ hành vi của bị cáo, xác định sự thật khách quan của vụ án, tránh hỏi những câu hỏi trùng lắp, những câu hỏi không rõ nghĩa, không đi vào trọng tâm vụ án. Cách đặt câu hỏi của Kiểm sát viên phải sắc bén và hỏi để bảo vệ, làm rõ những luận điểm, quan điểm mà chúng ta đã dự thảo trong luận tội.


Sáu là:
Về luận tội của Kiểm sát viên. Trước khi tham gia phiên toà Kiểm sát viên phải viết bản dự thảo luận tội (theo mẫu hướng dẫn của Viện kiểm sát nhân dân tối cao), sau khi dự thảo, Kiểm sát viên phải báo cáo lãnh đạo Viện duyệt vàcho ý kiến, sau đó bổ sung, chỉnh sửa cho phù hợp. Khi THQCT tại phiên toà Kiểm sát viên phải ghi chép những tài liệu, chứng cứ đã được kiểm tra và ý kiến của bị cáo, người bào chữa, người bảo vệ quyền lợi của đương sự và những người tham gia tố tụng khác để bổ sung và sửa chữa kịp thời vào bản luận tội.


Sau khi kết thúc việc xét hỏi Kiểm sát viên trình bày lời luận tội phải căn cứ vào những tài liệu, chứng cứ đã được kiểm tra tại phiên toà. Trong luận tội phải phân tích đánh giá các chứng cứ của vụ án một cách khách quan, toàn diện, đầy đủ; đánh giá đúng tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của tội phạm, hậu quả gây ra, vai trò trách nhiệm và nhân thân của bị cáo, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ để đề xuất áp dụng pháp luật và vận dụng chính sách xử lý cho phù hợp. Khi nêu hành vi phạm tội phải viện dẫn các chứng cứ để chứng minh, bảo đảm tính lôgíc và lời lẽ phải thật sắc bén. Luận tội còn phải phân tích và phê phán thủ đoạn phạm tội của bị cáo; phân tích bác bỏ những quan điểm không phù hợp với vụ án của những người tham gia tố tụng khác để làm sáng tỏ sự thật, bảo vệ chính sách pháp luật, thể hiện tính đấu tranh và tính thuyết phục của luận tội.


Đối với việc tranh luận với Luật sư và những người tham gia tố tụng khác: Việc tranh luận tại phiên toà là yêu cầu bắt buộc và cũng là yêu cầu rất cao đối với Kiểm sát viên. Để việc tranh luận đạt hiệu quả Kiểm sát viên phải chuẩn bị và dự kiến được những vấn đề cần tranh luận mà người bào chữa, bị cáo và những người tham gia tố tụng đưa ra sau phần trình bày luận tội của Kiểm sát viên. Quá trình nghe, theo dõi các ý kiến phải chú ý ghi lại đầy đủ. Khi tranh luận đưa ra những lập luận đối với từng ý kiến trên, nếu những ý kiến nào không có có sở thì lập luận, dẫn chứng và bác bỏ, tránh việc Kiểm sát viên trả lời ấp úng, không rõ ràng. Khi tranh luận Kiểm sát viên phải bình tĩnh, khách quan và tôn trọng ý kiến của những người tham gia tố tụng, tranh luận với thái độ từ tốn, rõ ràng nhưng dứt khoát, không nên có thái độ hằn học với người bào chữa như vậy sẽ làm mất hình ảnh của người Kiểm sát viên giữ quyền công tố.


Bảy là:
Kiểm sát chặt chẽ việc tuyên án. Khi chủ toạ phiên toà đọc bản án, Kiểm sát viên phải chú ý ghi lại những nhận định quan trọng và nội dung quyết định của bản án sơ thẩm để làm căn cứ kiểm tra biên bản phiên toà, bản án sơ thẩm và chuẩn bị nội dungbáo cáo lãnh đạoViện kháng nghị, nếu cần thiết. Chú ý những nội dung trong bản án có khác so với đề nghị của Kiểm sát viên hay không, nếu thấy khác quan điểm thì lưu ý báo cáo Lãnh đạo để xem xét kháng nghị hoặc kiến nghị khắc phục sửa chữa.


Tám là:
Kiểm tra thật kỹ biên bản phiên toà. Sau khi kết thúc phiên toà Kiểm sát viên phải kiểm tra biên bản phiên toà, nếu phát hiện biên bản phiên toà ghi không đầy đủ hoặc không chính xác thì yêu cầu Hội đồng xét xử xem xétsửa chữa, bổ sung vào biên bản phiên toà cho đầy đủ, phù hợp với diễn biến tại phiên tòa.


Chín là:
Kiểm tra bản án và việc kháng nghị bản án của Toà án. Sau khi xét xử xong vụ án Kiểm sát viên phải theo dõi việc Tòa án ra bản án và gửi bản án cho Viện kiểm sát. Sau khi nhận bản án phải kiểm tra bản án của Toà án nhằm phát hiện những sai sót và vi phạm của Toà án trong việc ra bản án. Kiểm sát viên phải kiểm sát việc giao bản án, các quyết định của Toà án. Nếu quá trình kiểm tra bản án phát hiện sai sót thì báo cáo ngay với Lãnh đạo để kịp thời xem xét, quyết định kháng nghị hoặc kiến nghị tùy từng trường hợp cụ thể.


Mười là:
Rút kinh nghiệm về THQCT và KSXX sau phiên toà. Đây cũng là một khâu rất quan trọng, do đó sau khi xét xử phiên tòa rút kinh nghiệm Kiểm sát viên phải chủ động đề nghị lãnh đạo Viện tổ chức rút kinh nghiệm về toàn bộ diễn biến tại phiên tòa của Kiểm sát viên, đặc biệt là kỹ năng xét hỏi, tranh luận, đánh giá ưu điểm, khuyết điểm và tìm nguyên nhân để Kiểm sát viên có thể rút kinh nghiệm, phát huy mặt tốt, khắc phục sửa chữa thiếu sót để Kiểm sát viên ngày càng hoàn thiện hơn trong quá trình THQCT và KSXX tại các phiên tòa hình sự.


Trần Đình Toản

CÁC TIN KHÁC

Tin mới nhất

Thứ 2, 15/4/2024:

07h30:

- Chào cờ và nghe các câu chuyện về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

09h00:

- Đ/c Liên - PVT nghe Phòng 9 báo cáo án.

 

Thứ 3, 16/4/2024: 

08h00:

- Đ/c Thanh - PVT nghe Phòng 1 báo cáo án. 

- Đ/c Liên - PVT nghe Phòng 9 báo cáo án.

- Đ/c Thảo - PVT nghe Phòng 7 báo cáo án.

 

Thứ 4, 17/4/2024: 

08h00:

- Đ/c Viện trưởng họp HĐND tỉnh (cả ngày). 

- Đ/c Thanh - PVT nghe Phòng 1 báo cáo án.

- Đ/c Liên - PVT nghe Phòng 9 báo cáo án.

14h00:

- Đ/c Thảo - PVT và Phòng 8 công bố kết luận trực tiếp kiểm sát tại Trại giam Xuân Phước.

15h00:

- Tổng vệ sinh cơ quan (từ 15h00 dọn trong phòng làm việc, hành lang; từ 16h00 tập trung dọn phòng đọc báo, khuôn viên cơ quan).

 

Thứ 5, 18/4/2024:  

Nghỉ Lễ Giỗ tổ Hùng Vương

Phân công trực nghiệp vụ, trực cơ quan

 

Thứ 6, 19/4/2024:

08h00:

- Hội nghị tập huấn công tác tổ chức cán bộ (cả ngày). Thành phần: Lãnh đạo Viện và toàn thể công chức, người lao động.

 

Thứ 7, 20/4/2024: 

Phân công trực cơ quan  

 

Chủ nhật, 21/4/2024:

 

Phân công trực cơ quan