Luật Tổ chức VKSND năm 2002 được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Khóa X, kỳ họp thứ 11 thông qua ngày 02/4/ 2002. Căn cứ Luật Tổ chức VKSND năm 2002, ngày 04/10/2002 Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Pháp lệnh Kiểm sát viên VKSND; ngày 04/11/2002 thông qua Pháp lệnh tổ chức Viện kiểm sát quân sự. Trải qua hơn 12 năm thi hành Luật tổ chức VKSND năm 2002, Pháp lệnh Kiểm sát viên VKSND, Pháp lệnh tổ chức Viện kiểm sát quân sự năm 2002, VKSND đã khẳng định vai trò là một thiết chế hữu hiệu trong việc bảo vệ Hiến pháp và pháp luật, đấu tranh với các loại tội phạm, trở thành chỗ dựa đáng tin cậy của nhân dân trong việc bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người.
Ngày 28/11/ 2013, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII, kỳ họp thứ 6 thông qua Hiến pháp năm 2013 đã có những nội dung mới quan trọng về chế định VKSND; bổ sung, làm rõ hơn những nguyên tắc mới, tiến bộ của tố tụng tư pháp liên quan trực tiếp đến hoạt động của VKSND, cần phải được cụ thể trong Luật tổ chức VKSND, theo đó:
1. VKSND thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp.
2. VKSND gồm VKSND tối cao và các Viện kiểm sát khác do luật định.
3. VKSND có nhiệm vụ bảo vệ pháp luật, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, góp phần bảo đảm pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất.
4. VKSND do Viện trưởng lãnh đạo. Viện trưởng VKSND cấp dưới chịu sự lãnh đạo của Viện trưởng VKSND cấp trên; Viện trưởng các Viện kiểm sát cấp dưới chịu sự lãnh đạo thống nhất của Viện trưởng VKSND tối cao.
5. Khi thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp, Kiểm sát viên tuân theo pháp luật và chịu sự chi đạo của Viện trưởng VKSND.
Trước yêu cầu phát triển và bảo vệ đất nước trong tình hình mới, xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa, để thực hiện mục tiêu cải cách tư pháp là “Xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh, bảo vệ công lý, từng bước hiện đại, phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”. Thực tiễn thi hành Luật tổ chức VKSND năm 2002, Pháp lệnh Kiểm sát viên VKSND, Pháp lệnh tổ chức Viện kiểm sát quân sự năm 2002 cho thấy còn có một số vướng mắc, bất cập, như cơ chế bảo đảm cho VKSND thực hiện quyền hạn, trách nhiệm chưa đầy đủ và hiệu quả; chế độ pháp lý của Kiểm sát viên chưa thực sự phù hợp với trách nhiệm, quyền hạn; chế độ, chính sách bảo đảm hoạt động của VKSND chưa đáp ứng yêu cầu thực hiện chức năng; không đảm bảo đáp ứng đầy đủ yêu cầu tăng cường hợp tác quốc tế trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, nâng cao vai trò, vị trí của VKSND tương đồng với Viện công tố/Viện kiểm sát các nước trên thế giới...
Do đó, cần thiết phải sửa đổi Luật tổ chức VKSND để tạo cơ sở pháp lý đổi mới toàn diện về hệ thống tổ chức; các nguyên tắc thực hiện chức năng, nhiệm vụ; chuẩn hóa các chức danh tư pháp và bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, tăng cường sự giám sát bên trong và bên ngoài hệ thống, nhất là sự giám sát của cơ quan dân cử...Bên cạnh đó, việc sửa đổi Luật tổ chức VKSND còn là sự pháp điển hóa Luật Tổ chức VKSND năm 2002, các Pháp lệnh Kiểm sát viên VKSND, Pháp lệnh tổ chức Viện kiểm sát quân sự nhằm cụ thể hoá chế định VKSND và những nguyên tắc mới, tiến bộ của tố tụng tư pháp liên quan trực tiếp đến VKSND trong Hiến pháp năm 2013; tạo cơ sở pháp lý cho tổ chức và hoạt động của VKSND đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế và cải cách tư pháp; nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật trong tình hình mới.
Từ những lý do nói nêu trên, việc ban hành Luật tổ chức VKSND năm 2014 là khách quan và cần thiết. Vì vậy, ngày 24/11/2014, Quốc hội khóa XIII tại kỳ họp thứ 8 đã thông qua Luật tổ chức VKSND năm 2014 với tỷ lệ tán thành là 411 phiếu (chiếm 82,7%). Ngày 04/12/2014, Chủ tịch nước đã ký Lệnh công bố và Luật tổ chức VKSND năm 2014 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/6/2015.
GIANG HÀ