Chủ Nhật, 24/11/2024 10:16 SA

Viện KSND huyện Tây Hòa thực hiện các giải pháp đột phá nhằm nâng cao chất lượng công tác kiểm sát việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố

Tây Hòa là một huyện đồng bằng bán trung du nằm ở phía Tây Nam của tỉnh Phú Yên, có diện tích tự nhiên 609,45 km2; phía Bắc giáp huyện Phú Hòa và Sơn Hòa; phía Đông giáp huyện Đông Hòa; phía Tây giáp huyện Sông Hinh; phía Nam giáp huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa. Là huyện có địa bàn rộng, dân số trên 117 nghìn người, phân bố không đồng đều; có tuyến Quốc lộ 29 (đường liên tỉnh Đắk Lắk - Phú Yên) xuất phát từ Cảng Vũng Rô qua địa bàn huyện đi các tỉnh Tây Nguyên. Đây cũng là tuyến đường giao thông huyết mạch có tầm quan trọng về chính trị, quân sự, phát triển kinh tế - xã hội. Tuyến tỉnh lộ ĐT645 nối với huyện Đông Hòa và Tây Hòa vào mạng lưới giao thông Quốc lộ 29…Những yếu tố về điều kiện tự nhiên, xã hội đó đã ảnh hưởng đáng kể đến hoạt động của các cơ quan bảo vệ pháp luật nói chung, công tác giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm nói riêng.



Viện KSND huyện Tây Hòa chủ trì phối hợp với Cơ quan điều tra
và Hạt kiểm lâm huyện mở Hội nghị quán triệt, triển khai
thực hiện Thông tư liên tịch số 06.

Trong nhiều năm trở lại đây, số lượng các loại án: “Cố ý gây thương tích”, “Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ”, “Trộm cắp tài sản”, “Cướp giật tài sản” luôn chiếm tỷ lệ cao trong cơ cấu tội phạm xảy ra trên địa bàn huyện. Để thực hiện tốt trách nhiệm của mình, Viện kiểm sát nhân dân huyện Tây Hòa luôn giữ vai trò là cơ quan duy trì hoạt động phối hợp công tác giữa các cơ quan tiến hành tố tụng. Đơn vị đã thực hiện nhiều giải pháp để  nắm chắc các thông tin về tội phạm xảy ra trên địa bàn từ nhiều nguồn khác nhau, từ đó phối hợp với Cơ quan điều tra phân loại xử lý. Xác định công tác tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố là chìa khóa cho các hoạt động tố tụng tiếp theo, nên từ đầu năm 2013 Viện kiểm sát huyện Tây Hòa đã cùng Cơ quan điều tra và Hạt kiểm lâm huyện thống nhất ký kết Quy chế phối hợp trong công tác tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố, nhằm tăng cường sự phối hợp giữa các ngành trong đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm; đảm bảo mọi hành vi phạm tội đều phải được phát hiện kịp thời, xử lý nhanh chóng, công minh theo đúng pháp luật, không làm oan người vô tội và bỏ lọt tội phạm.


Mặc dù vậy, trong năm 2013 và nhiều năm trước đây, công tác giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố và hoạt động kiểm sát đối với công tác này còn một số hạn chế nhất định, đó là: Nhiều vụ việc để xảy ra khá lâu nhưng không được báo cho cơ quan chức năng hoặc không được giải quyết theo đúng thẩm quyền luật định. Có những vụ việc không phải là tin báo hoặc tố giác về tội phạm nhưng Cơ quan điều tra vẫn thụ lý. Tỷ lệ giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm chưa cao, riêng năm 2013 tỷ lệ này chỉ đạt 84,3%. Còn để xảy ra một số trường hợp Cơ quan điều tra giải quyết quá hạn luật định. Những tồn tại, hạn chế đó xuất phát từ những nguyên nhân chủ yếu sau đây:


Về nguyên nhân khách quan: Từ khi chưa có Thông tư liên tịch số 06/2013/TTLT-BCA-BQP-BTC-BNN&PTNT-VKSNDTC ngày 02/8/2013 hướng dẫn thi hành quy định của Bộ luật tố tụng hình sự về tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố (dưới đây gọi tắt là Thông tư 06), thì các quy định của pháp luật hiện hành liên quan đến công tác này còn nhiều bất cập, như: Tại khoản 4 Điều 103 Bộ luật tố tụng hình sự quy định: “Viện kiểm sát có trách nhiệm kiểm sát việc giải quyết của Cơ quan điều tra đối với tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố” chưa quy định rõ trách nhiệm của Viện kiểm sát bắt đầu từ khi Cơ quan điều tra tiếp nhận tin báo, tố giác về tội phạm hay bắt đầu tự khi Cơ quan điều tra thụ lý tin báo, tố giác về tội phạm, nên hoạt động của Viện kiểm sát còn gặp khó khăn, vướng mắc. Mặt khác, Bộ luật tố tụng hình sự hiện hành và các văn bản trước đây chưa quy định hoặc giải thích rõ khái niệm như thế nào là “tin báo về tội phạm” và “tố giác về tội phạm”, dẫn đến việc nhận thức và áp dụng pháp luật chưa thống nhất.


Về nguyên nhân chủ quan: Công tác trao đổi thông tin, phối hợp giữa các ngành chức năng trong đấu tranh phòng, chống vi phạm tội phạm hiệu quả chưa cao. Kỹ năng và phương pháp làm việc của cán bộ, Điều tra viên, Kiểm sát viên chưa thật sự khoa học. Có lúc việc nhận thức và áp dụng pháp luật chưa thống nhất, nhưng Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát chưa kịp thời phối hợp bàn bạc, nên nhiều trường hợp chỉ là  khiếu nại, tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về hành chính, dân sự, kinh tế… nhưng Cơ quan điều tra vẫn thụ lý do phân loại, xác định loại việc không đúng. Công tác kiểm sát việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm có lúc chưa thật sự thường xuyên và chặt chẽ. Một nguyên nhân cơ bản nữa là tình hình tội phạm xảy ra đa dạng, phức tạp mà công tác tiếp nhận còn nằm rải rác ở nhiều đầu mối (nhất là ở Công an cấp xã), dẫn đến việc tiếp nhận, xử lý tố giác, tin báo về tội phạm chưa kịp thời.


Khi Thông tư 06 được ban hành và có hiệu lực kể từ ngày 16/9/2013, những khó khăn, vướng mắc trong nhận thức và áp dụng pháp luật đã cơ bản được giải tỏa. Để khắc phục những tồn tại, hạn chế thời gian qua, Viện kiểm sát nhân dân huyện Tây Hòa đã quán triệt Chỉ thị, Kế hoạch của Ngành và Nghị quyết của Huyện ủy Tây Hòa về nhiệm vụ công tác kiểm sát năm 2014, qua đó xác định chọn công tác kiểm sát việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố làm khâu đột phá trong kế hoạch công tác của năm 2014. Để thực hiện chủ trương này có hiệu quả và chất lượng, đơn vị xây dựng kế hoạch thực hiện các giải pháp với những nội dung cụ thể. Trong đó đã đề ra mục tiêu tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 37/2012/QH13 ngày 23/11/2012 của Quốc hội khóa XIII “…Nâng tỷ lệ xử lý tố giác, tin báo về tội phạm đạt trên 90%...”. Căn cứ vào Chỉ thị số 01/CT-VKSTC ngày 02/01/2014 của Viện trưởng VKSND tối cao và Kế hoạch số 14/KH-VKS-VP ngày 22/01/2014 của Viện trưởng VKSND tỉnh Phú Yên, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân huyện Tây Hòa đã cụ thể hóa tại Kế hoạch sô 09/KH-VKS-VP ngày 05/02/2014 về công tác kiểm sát năm 2014, trong đó xác định: “Đảm bảo tỷ lệ giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm đạt từ  90% trở lên, tin báo quá hạn không quá 20%...”. Đây là những mục tiêu chủ yếu nhằm đẩy mạnh công tác điều tra, phát hiện các loại tội phạm, khắc phục tình trạng vi phạm pháp luật trong công tác xử lý tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố, góp phần thực hiện chủ trương cải cách tư pháp. Yêu cầu đặt ra là cán bộ, Kiểm sát viên phải nắm vững pháp luật, Quy chế nghiệp vụ và các văn bản pháp lý có liên quan đến công tác tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố. Đồng thời cần nhận thức rõ tầm quan trọng và trách nhiệm của Viện kiểm sát đối với công tác này, từ đó nâng cao kỹ năng kiểm sát nhằm phát hiện và yêu cầu khắc phục vi phạm, đảm bảo mọi hành vi phạm tội phải được khởi tố, điều tra, xử lý theo pháp luật, không bỏ lọt tội phạm và làm oan người vô tội. Phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng phấn đấu tỷ lệ xử lý tố giác, tin báo về tội phạm đạt và vượt mức chỉ tiêu kế hoạch đề ra.


Quốc hội yêu cầu ngành Kiểm sát nhân dân phải chủ động có giải pháp phối hợp làm tốt hơn công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm nói chung và công tác kiểm sát việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm nói riêng. Đây là nội dung mà Viện kiểm sát nhân dân tối cao đang tập trung chỉ đạo toàn Ngành thực hiện. Kế hoạch số 14/KH-VKS-VP ngày 22/01/2014 của Viện trưởng VKSND tỉnh Phú Yên về công tác kiểm sát năm 2014 đã xác định chọn công tác kiểm sát việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố làm khâu đột phá. Vì vậy, để tạo bước đột phá trong công tác này, ngay từ đầu năm 2014 Viện kiểm sát nhân dân huyện Tây Hòa đã xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện các giải pháp đột phá bằng những nhóm giải pháp cụ thể như sau:


Một là, nhóm giải pháp về công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành


Lãnh đạo đơn vị tổ chức quán triệt đến cán bộ, Kiểm sát viên mục tiêu, yêu cầu của việc chọn khâu công tác kiểm sát việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố làm khâu đột phá trong kế hoạch công tác của năm 2014. Phối hợp với Cơ quan điều tra và Hạt kiểm lâm huyện mở Hội nghị quán triệt, triển khai thực hiện Thông tư số 06. Lãnh đạo Viện kiểm sát cần nâng cao trách nhiệm trong việc hướng dẫn, kiểm tra cán bộ, Kiểm sát viên quản lý, theo dõi chặt chẽ nguồn tố giác, tin báo về tội phạm. Hàng tháng, Lãnh đạo Viện kiểm sát chủ động phối hợp với Lãnh đạo Cơ quan điều tra nắm chắc số lượng, kết quả giải quyết các tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố để chỉ đạo kịp thời nhằm đảm bảo việc thụ lý, giải quyết đúng quy định của pháp luật. Phân công cán bộ, Kiểm sát viên trực nghiệp vụ 24/24 giờ, mở sổ sách theo dõi, quản lý việc tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm; phân công Kiểm sát viên có trình độ nghiệp vụ, kinh nghiệm nghiên cứu, phân tích và đề xuất đối với những trường hợp phức tạp. Khi cần thiết Lãnh đạo Viện  trực tiếp kiểm tra hồ sơ, sổ sách, cách ghi chép và kỹ năng của cán bộ, Kiểm sát viên.



Hàng tháng Viện kiểm sát phối hợp với Cơ quan điều tra rà soát,
nắm chắc số lượng, kết quả, tiến độ giải quyết tố giác, tin báo
về tội phạm để bàn bạc, thống nhất hướng xử lý.


Hai là, giải pháp về tiếp nhận và  kiểm sát việc tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm và kiển nghị khởi tố


Viện kiểm sát cần tổ chức tốt việc tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố theo đúng quy định tại khoản 1 Điều 103 Bộ luật TTHS. Trong trường hợp cần thiết Viện kiểm sát có thể tiến hành một số hoạt động kiểm tra, xác minh, khi xác định có dấu hiệu tội phạm thì chuyển đến Cơ quan điều tra có thẩm quyền để thụ lý giải quyết. Cán bộ, Kiểm sát viên phải quản lý chặt chẽ thông tin về tội phạm từ các nguồn khác nhau. Kiểm tra xem xét việc tiếp nhận của Cơ quan điều tra và cơ quan được giao tiến hành một số hoạt động điều tra (Hạt Kiểm lâm) có đầy đủ và kịp thời không; sau khi tiếp nhận có chuyển ngay cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền giải quyết không.


Ba là, giải pháp về kỹ năng kiểm sát việc phân loại, thụ lý tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố


Cán bộ, Kiểm sát viên cần xác định đây là khâu quan trọng trong qua trình giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố. Cán bộ, Kiểm sát viên phải có trách nhiệm kiểm tra, xem xét việc sau khi tiếp nhận Cơ quan điều tra đã kịp thời nghiên cứu nội dung tin báo để phân loại chưa; việc thụ lý có đầy đủ và đúng thẩm quyền hay không. Những trường hợp tố giác hoặc tin báo chỉ có nội dung tranh chấp về dân sự, vi phạm hành chính, vi phạm luật lao động, các khiếu nại về hoạt động tư pháp…thì trao đổi với Cơ quan điều tra không thụ lý; trường hợp này cán bộ tiếp nhận lập biên bản, hướng dẫn, giải thích người hoặc tổ chức cung cấp nguồn tin liên hệ cơ quan chức năng khác để được giải quyết theo thẩm quyền; không phải tiếp nhận đơn thư, tài liệu nếu người hoặc tổ chức đã tố giác sau khi được giải thích hướng dẫn đã tự nguyện rút lại đơn thư, tài liệu. Đối với các tố giác, tin báo có dấu hiệu về hình sự thì Cơ quan điều tra có trách nhiệm mở sổ thụ lý để giải quyết. Viện kiểm sát kiểm tra theo dõi chặt chẽ kết quả giải quyết của Cơ quan điều tra. Song song với kiểm sát việc thụ lý, cán bộ, Kiểm sát viên phải kiểm sát chặt chẽ các thủ tục giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, như các quyết định phân công, tài liệu xác minh, thời hạn thụ lý, giải quyết có đúng pháp luật không. Sau khi đối chiếu số tố giác, tin báo về tội phạm do Cơ quan điều tra thụ lý để cập nhật sổ sách theo dõi, Viện kiểm sát phải có quyết định phân công Kiểm sát viên kiểm sát từng tố giác, tin báo về tội phạm. Hàng tuần đối chiếu sổ sách với Cơ quan điều tra để xác định tố giác, tin báo về tội phạm nào chưa được xử lý hoặc xử lý quá hạn luật định thì báo cáo đề xuất Lãnh đạo Viện ra để đôn đốc hoặc có văn bản kiến nghị Cơ quan điều tra khẩn trương xác minh, làm rõ và giải quyết theo đúng quy định của pháp luật.


Bốn là, giải pháp về kiểm sát các quyết định về giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố


Kiểm sát việc tuân thủ đúng quy định về thời hạn giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố theo khoản 2 Điều 103 BLTTHS: Các tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố đã được thụ lý giải quyết đều phải được kết luận bằng quyết định khởi tố vụ án hình sự hoặc quyết định không khởi tố vụ án hình sự. Viện kiểm sát có trách nhiệm kiểm sát các quyết định nêu trên để xem xét thời hạn xác minh, giải quyết của Cơ quan điều tra có đúng quy định về thời hạn không, nhằm đảm bảo việc giải quyết phải được tiến hành khẩn trương, kịp thời, phục vụ có hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm. Kiểm sát tính có căn cứ và tính hợp pháp của quyết định khởi tố vụ án hình sự, quyết định không khởi tố vụ án hình sự. Kiểm tra tính có căn cứ của quyết định khởi tố vụ án hình sự phải dựa trên cơ sở pháp lý quy định tại các Điều 104, Điều 105 và Điều 106 của BLTTHS. Kiểm tra tính có căn cứ của quyết định không khởi tố vụ án hình sự phải dựa trên những căn cứ quy định tại Điều 107 BLTTHS. Để kiểm tra tính hợp pháp các quyết định trên của Cơ quan điều tra, cán bộ, Kiểm sát viên phải nghiên cứu toàn diện các chứng cứ tại hồ sơ,  trên cơ sở đối chiếu với quy định của pháp luật xem có phù hợp hay không để có ý kiến đề xuất với Lãnh đạo Viện chấp nhận hoặc không chấp nhận. Tùy theo mức độ vi phạm khi ban hành các quyết định của Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát có quyền yêu cầu khắc phục (bằng văn bản yêu cầu bổ sung chứng cứ) hoặc yêu cầu Cơ quan điều tra hủy bỏ hoặc trực tiếp hủy bỏ quyết định không có căn cứ, trái pháp luật của Cơ quan điều tra, nhằm đảm bảo các quyết định đó được ban hành đúng thẩm quyền, đúng  thể thức theo quy định của pháp luật. Kiểm sát việc trả lời, thông báo kết quả kết quả xác minh cho cá nhân, tổ chức đã báo tin hoặc tố giác xem có đầy đủ, đúng thủ tục hay không.


Năm là, giải pháp về tập hợp vi phạm, kiên nghị


Thông qua công tác kiểm sát từng vụ việc, cán bộ, Kiểm sát viên cần quan tâm mở sổ theo dõi ghi chép cụ thể khi phát hiện vi phạm của Cơ quan điều tra. Định kỳ 06 tháng hoặc 01 năm 01 lần Viện kiểm sát tiến hành trực tiếp kiểm sát việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố của Cơ quan điều tra nhằm phát hiện những vi phạm, thiếu sót để kiến nghị yêu cầu sửa chữa, khắc phục, uốn nắn, rút kinh nghiệm. Đối với những vi phạm nghiêm trọng hoặc những vi phạm lặp đi lặp lại có thể kiến nghị theo từng vụ việc cụ thể. Những vi phạm khác thì 06 tháng hoặc 01 năm tổng hợp để kiến nghị chung.


Nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp vừa nêu, từ đầu năm 2014 đến nay chất lượng công tác kiểm sát việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố ở Viện kiểm sát nhân dân huyện Tây Hòa đã có nhiều chuyển biến tích cực, hiệu quả hơn. Việc phối hợp, trao đổi thông tin giữa Viện kiểm sát và Cơ quan điều tra về tình hình tiếp nhận, thụ lý giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố được duy trì thường xuyên. Cán bộ, Kiểm sát viên đã từng bước nâng cao kỹ năng công tác kiểm sát, khắc phục những hạn chế, thiếu sót; phát huy vai trò chủ động, sáng tạo trong tham mưu đề xuất; nêu cao ý thức, tinh thần trách nhiệm khi thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao. Trong 6 tháng đầu năm 2014, tỷ lệ giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm của Cơ quan cảnh sát điều tra – Công an huyện Tây Hòa đã đạt chỉ tiêu đề ra, không có trường hợp nào quá hạn luật định mà chưa giải quyết. Những biến đổi về chất của Viện kiểm sát nhân dân huyện Tây Hòa trong công tác kiểm sát việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố trong thời gian vừa qua đã góp phần quan trọng vào việc phát hiện, khởi tố, điều tra, xử lý tội phạm; khẳng định vị thế, vai trò của Viện kiểm sát trong đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật trên địa bàn huyện Tây Hòa.

 

Nguyễn Phương Nam

 

                                                                        Phó Viện trưởng Viện KSND huyện Tây Hòa

 

CÁC TIN KHÁC

Tin mới nhất

Thứ 2, 25/11/2024:

07h30:

- Chào cờ và nghe các câu chuyện về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

08h15:

- Họp giao ban Lãnh đạo Viện.

09h00:

- Họp Đảng ủy.

14h00: 

- Đ/c Viện trưởng dự họp thẩm tra của Ban Pháp chế HĐND tỉnh tại Trường Chính trị tỉnh.

 

Thứ 3, 26/11/2024: 

08h00:

- Hội nghị kiểm điểm tập thể, thành viên Ban cán sự đảng VKSND tỉnh năm 2024 (tại phòng họp).

 

Thứ 4, 27/11/2024: 

08h00:

- Họp Tổ chấm điểm thi đua.

14h00:

- Đ/c Thanh - PVT nghe Phòng 1 báo cáo án.

- Đ/c Liên - PVT nghe Phòng 9 báo cáo án.

- Đ/c Thảo - PVT nghe Phòng 7 báo cáo án.

15h30:

- Đ/c Viện trưởng và Trưởng phòng 15 làm việc với Thành ủy Tuy Hòa.

 

Thứ 5, 28/11/2024:  

08h00:

- Đ/c Viện trưởng dự Lễ kỷ niệm 60 năm Bến Vũng Rô tiếp nhận chuyến hàng đầu tiên của Tàu Không số vào Bến (28/11/1964 - 28/11/2024).

- Đ/c Liên - PVT nghe Phòng 9 báo cáo án.

- Đ/c Thảo - PVT nghe Phòng 8 báo cáo công tác.

 

Thứ 6, 29/11/2024:

08h00:

- Họp Hội đồng thi đua.

Lễ công bố và trao Quyết định điều động, bổ nhiệm lãnh đạo, quản lý (tại hội trường, thành phần: Ban cán sự đảng, Lãnh đạo Viện, Trưởng phòng và tương đương, Phó Chánh Văn phòng phụ trách, Phó Trưởng phòng 7; Lãnh đạo và công chức Phòng 1, 8).


Thứ 7, 30/11/2024: 

Phân công trực cơ quan

 

Chủ nhật, 01/12/2024:

Phân công trực cơ quan