Thứ Năm, 21/11/2024 18:49 CH

Cơ quan tiến hành tố tụng nào có trách nhiệm thụ lý, giải quyết yêu cầu bồi thường Nhà nước cho người bị oan?

Việc xác định cơ quan có trách nhiệm thụ lý, giải quyết yêu cầu bồi thường thiệt hại do người thi hành công vụ gây ra trong tố tụng hình sự, theo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước còn gặp nhiều khó khăn, vì quá trình giải quyết vụ án hình sự trải qua rất nhiều giai đoạn tố tụng, có nhiều cơ quan cùng tham gia vào hoạt động tố tụng, có trường hợp vụ án bị hủy để điều tra, xét xử lại nhiều lần, điều này đã làm ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của người bị oan.


Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước đối với những thiệt hại do hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ gây ra trong hoạt động quản lý hành chính, tố tụng và thi hành án, là Nhà nước tự chịu trách nhiệm về những hậu quả pháp lý do hành vi sai trái từ người của mình gây ra đối với cá nhân, tổ chức; điều đó thể hiện tính công khai, minh bạch và chuyên nghiệp trong hoạt động công vụ của Nhà nước.


Chủ thể nào đại diện cho Nhà nước đứng ra thụ lý, giải quyết yêu cầu bồi thường; thủ tục giải quyết yêu cầu bồi thường; quyền, nghĩa vụ của cá nhân, tổ chức bị thiệt hại; kinh phí bồi thường; trách nhiệm hoàn trả... đều đã được quy định cụ thể trong Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017 và các văn bản hướng dẫn.


Tuy nhiên thực tế đã xảy ra, không ít trường hợp cơ quan Nhà nước không muốn mình là cơ quan giải quyết bồi thường, vì khi đó họ có nhiều trách nhiệm quan trọng như “trực tiếp xin lỗi và cải chính công khai”, “phục hồi danh dự” đối với người bị oan trong tố tụng hình sự.


Bên cạnh đó, việc xác định cơ quan có trách nhiệm thụ lý, giải quyết yêu cầu bồi thường do bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự thường gặp rất nhiều khó khăn, vì có nhiều cơ quan cùng tham gia vào hoạt động tố tụng hình sự, quá trình giải quyết vụ án kéo dài do trải qua rất nhiều giai đoạn tố tụng, có những vụ án bị hủy để điều tra, xét xử lại nhiều lần…., như một vụ án đã xảy ra ở TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên.


Nội dung vụ án:


Sáng ngày 05/7/2012, Phòng CSĐT tội phạm ma túy Công an tỉnh Phú Yên bắt quả tang Võ Thị Thu Phượng và Nguyễn Thị Ngọc Sương nhận thùng hàng tại Nhà xe Cúc tư tại thành phố Tuy Hòa có chứa 14,5519 gam chất bột màu trắng dạng nén (kết luận giám định chất bột màu trắng dạng nén có trọng lượng 14,5519 gam là chế phẩm Hêrôin).


Qua điều tra xác định được, Lê Trọng Thanh là đối tượng nghiện ma túy điện thoại cho Từ Phạm Quang Vinh ở Tp. Hồ Chí Minh hỏi mua Hêrôin gửi về Tuy Hòa để sử dụng và bán lại cho những người nghiện để kiếm lời. Từ ngày 25/3/2012 đến ngày 04/7/2012, Thanh trực tiếp 17 lần đến Văn phòng xe khách Thuận Thảo ở TP. Tuy Hòa gửi tổng cộng 213.600.000 đồng; đưa tiền cho Nguyễn Thị Ngọc Sương 10 lần tổng cộng 125.800.000 đồng gửi vào cho Vinh để mua Hêrôin. Sau khi Thanh và Sương gửi tiền, Vinh và vợ là Nguyễn Hồng Ngọc Anh đến Văn phòng xe khách Thuận Thảo ở Tp. Hồ Chí Minh nhận tiền, Vinh trực tiếp nhận 16 lần với tổng số tiền là 215.800.000 đồng và nhờ Ngọc Anh nhận 11 lần với tổng số tiền 123.600.000 đồng.


Trải qua nhiều giai đoạn tố tụng, Lê Trọng Thanh, Nguyễn Thị Ngọc Sương, Võ Thị Thu Phượng và Từ Phạm Quang Vinh đã được Tòa án đưa ra xét xử và bản án đã có hiệu lực pháp luật.


Riêng đối với Nguyễn Hồng Ngọc Anh, quá trình tố tụng như sau:


Ngày 02/5/2013, Cơ quan CSĐT Công an TP Tuy Hòa ra quyết định khởi tố bị can đối với Anh về tội Mua bán trái phép chất ma túy theo Khoản 2 Điều 194 BLHS 1999, đến ngày 18/6/2013 thì kết luận điều tra đề nghị truy tố Ngọc Anh theo tội danh và khung hình phạt đã khởi tố.


Ngày 25/3/2014, TAND TP. Tuy Hòa xét xử sơ thẩm phạt bị cáo Anh 07 năm tù. Vì có kháng cáo, nên ngày 16/9/2014, TAND tỉnh Phú Yên xét xử phúc thẩm tuyên hủy bản án sơ thẩm của TAND TP. Tuy Hòa đối với bị cáo Ngọc Anh để điều tra lại.


Quá trình điều tra lại, ngày 04/5/2015, Cơ quan điều tra ra Bản kết luận điều tra đề nghị truy tố Anh về tội “Mua bán trái phép chất ma túy”, theo quy định tại khoản 2 Điều 194 BLHS. Vào ngày 02/6/2015 và ngày 27/10/2015, Viện kiểm sát đã ra quyết định trả hồ sơ điều tra bổ sung 2 lần để làm rõ vai trò giúp sức của Ngọc Anh.


Đến ngày 27/12/2015, Cơ quan điều ra bản kết luận điều tra bổ sung đề nghị truy tố Ngọc Anh. Ngày 19/01/2016, Viện kiểm sát ban hành Cáo trạng số 04/VKS-HS truy tố bị can Ngọc Anh về tội “Mua bán trái phép chất ma túy”, theo quy định tại khoản 2 Điều 194 BLHS.


Ngày 24/9/2016, Tòa án ra quyết định trả hồ sơ vụ án để điều tra bổ sung làm rõ vai trò đồng phạm giúp sức của Ngọc Anh. Ngày 31/10/2016, Viện kiểm sát có Công văn giữ nguyên quyết định truy tố theo Cáo trạng số 04/VKS-HS ngày 19/01/2016.


Ngày 16/6/2017, Tòa án tiếp tục ban hành quyết định trả hồ sơ vụ án để điều tra bổ sung làm rõ vai trò giúp sức của Ngọc Anh. Ngày 23/6/2017, Viện kiểm sát ban hành quyết định trả hồ sơ điều tra bổ sung để làm rõ vai trò giúp sức của Anh.


Ngày 20/7/2017, Cơ quan điều tra ban hành bản kết luận điều tra bổ sung đề nghị truy tố Ngọc Anh. Ngày 28/8/2017, Viện kiểm sát có Công văn số 138/VKS-HS giữ nguyên quyết định truy tố theo Cáo trạng số 04/VKS-HS ngày 19/01/2016. Ngày 15/12/2017, Tòa án ra Quyết định số 13/2017/QĐST-HS trả hồ sơ vụ án để điều tra bổ sung để giám định chữ viết.


Qua nghiên cứu hồ sơ, VKSND TP. Tuy Hòa phát hiện có dấu hiệu việc Điều tra viên ghi thêm nội dung buộc tội vào các biên bản hỏi cung của bị can Ngọc Anh, nên từ ngày 28/12/2017 đến 14/5/2018, Viện kiểm sát đã 03 lần ban hành Quyết định trả hồ sơ cho CQĐT điều tra bổ sung yêu cầu giám định chữ viết của Điều tra viên. Tuy nhiên, Cơ quan điều tra cùng cấp không trưng cầu giám định theo yêu cầu của Viện kiểm sát; từ ngày 25/01/2018 đến ngày 12/7/2018, Cơ quan điều tra đã 03 lần kết luận điều tra bổ sung (sau cùng là Kết luận điều tra số 13/CSĐT ngày 12/7/2018) và chuyển hồ sơ vụ án đến Viện kiểm sát đề nghị truy tố Ngọc Anh về tội Mua bán trái phép chất ma túy theo khoản 2 Điều 194 BLHS 1999.


Ngày 17/8/2018, VKSND TP. Tuy Hòa ra Quyết định số 192/QĐ-VKS trưng cầu Phòng kỹ thuật hình sự Công an tỉnh Phú Yên giám định chữ viết của Điều tra viên. Vì hết thời hạn truy tố nhưng chưa có kết quả giám định, nên ngày 23/8/2018, VKSND TP. Tuy Hòa đã ra quyết định tạm đình chỉ vụ án đối với bị can Ngọc Anh. Ngày 11/9/2018, Phòng kỹ thuật hình sự Công an tỉnh Phú Yên có kết luận giám định: Chữ viết yêu cầu giám định là của cùng một người viết ra nhưng không đủ phương tiện, kỹ thuật để giám định thời điểm viết.


Ngày 28/01/2019, VKSND TP. Tuy Hòa ra Quyết định trưng cầu Phân viện Khoa học hình sự Bộ Công an tại Đà Nẵng giám định chữ viết của Điều tra viên. Ngày 07/3/2019, Phân viện Khoa học hình sự Bộ Công an tại Đà Nẵng có kết luận giám định: Nội dung chữ viết yêu cầu giám định là của một người viết ra không cùng thời điểm.


Ngày 05/4/2019, VKSND TP. Tuy Hòa ra Quyết định phục hồi vụ án đối với bị can Ngọc Anh và ra Quyết định trả hồ sơ cho Cơ quan điều tra để điều tra bổ sung.


Ngày 31/5/2019, Cơ quan CSĐT Công an Tp. Tuy Hòa áp dụng điểm b khoản 1 Điều 230 Bộ luật Tố tụng hình sự ra Quyết định đình chỉ điều tra vụ án hình sự đối với bị can Ngọc Anh về tội Mua bán trái phép chất ma túy theo khoản 2 Điều 194 BLHS 1999 lý do: Hết thời hạn điều tra vụ án mà không chứng minh được bị can đã thực hiện hành vi phạm tội.


Sau đó, Luật sư Nguyễn Thanh Hiệp (là người do Ngọc Anh ủy quyền) có đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại cho bà Ngọc Anh.


Hiện nay, có nhiều quan điểm khác nhau trong việc xác định cơ quan có trách nhiệm thụ lý, giải quyết yêu cầu bồi thường của bà Ngọc Anh. Tuy nhiên, theo tác giả có 02 quan điểm được quan tâm nhiều hơn trong việc xác định cơ quan có trách nhiệm thụ lý, giải quyết yêu cầu bồi thường của bà Ngọc Anh như sau:


Quan điểm thứ nhất, VKSND TP. Tuy Hòa là cơ quan giải quyết bồi thường vì: Trong vụ việc này, Tòa án cấp phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại. Quá trình điều tra lại thì Cơ quan CSĐT Công an TP Tuy Hòa không đình chỉ điều tra ngay, mà ra bản kết luận điều tra mới đề nghị truy tố và VKSND TP. Tuy Hòa đã ra bản Cáo trạng mới truy tố bị can đối với bà Ngọc Anh. Sau đó, Tòa án cấp sơ thẩm đã ra các quyết định trả hồ sơ điều tra bổ sung chứng minh vai trò đồng phạm của Ngọc Anh, kết quả điều tra bổ sung dẫn đến việc Cơ quan điều tra ra Quyết định đình chỉ điều tra vụ án hình sự đối với bị can Ngọc Anh vì hết thời hạn điều tra vụ án mà không chứng minh được bị can đã thực hiện hành vi phạm tội.


Như vậy, trong vụ việc nêu trên, cơ quan giải quyết bồi thường là VKSND TP. Tuy Hòa, vì theo quy định tại khoản 4 Điều 35 Luật Trách nhiệm bồi thường thiệt hại của Nhà nước năm 2017 quy định thì Viện kiểm sát là cơ quan giải quyết bồi thường trong trường hợp: “Tòa án cấp sơ thẩm quyết định trả hồ sơ vụ án để điều tra bổ sung nhưng sau đó có quyết định của cơ quan, người có thẩm quyền đình chỉ điều tra, đình chỉ vụ án vì không có sự việc phạm tội hoặc hành vi không cấu thành tội phạm hoặc đã hết thời hạn điều tra vụ án mà không chứng minh được bị can đã thực hiện tội phạm”.


Quan điểm thứ hai cũng là quan điểm của tác giả:


Đây là một vụ án phức tạp, kéo dài, vụ án bị Tòa án cấp phúc phẩm hủy án để điều tra lại 1 lần; quá trình điều tra lại, Viện kiểm sát phát hiện có dấu hiệu Điều tra viên ghi thêm nội dung buộc tội vào các biên bản hỏi cung của bị can Ngọc Anh, tuy nhiên để khẳng định được việc này thì cần phải có kết luận của cơ quan giám định.


Từ ngày 28/12/2017 đến 14/5/2018, Viện kiểm sát TP Tuy Hòa đã 03 lần trả hồ sơ điều tra bổ sung cho Cơ quan điều tra yêu cầu giám định chữ viết của Điều tra viên, nhưng Cơ quan điều tra không thực hiện và Cơ quan điều tra đã 03 lần kết luận điều tra bổ sung đề nghị Viện kiểm sát truy tố bị can Ngọc Anh.


Sau đó, Viện kiểm sát đã 02 lần ra quyết định trưng cầu giám định mới xác định được Điều tra viên có hành vi ghi thêm nội dung buộc tội vào các biên bản hỏi cung của bị can Ngọc Anh. Cơ quan điều tra của VKSND tối cao đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Điều tra viên về tội Cố ý làm sai lệch hồ sơ vụ án (vụ án đã được xét xử sơ thẩm).


Trên cơ sở kết luận giám định, ngày 31/5/2019, Cơ quan CSĐT Công an Tp. Tuy Hòa đã ra Quyết định đình chỉ điều tra vụ án hình sự đối với bị can Ngọc Anh vì đã hết thời hạn điều tra vụ án mà không chứng minh được bị can đã thực hiện hành vi phạm tội, nên bà Ngọc Anh có quyền yêu cầu được bồi thường do bị oan.


Việc gây oan cho bà Ngọc Anh có lỗi của cả Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và Tòa án nhân dân TP Tuy Hòa. Tuy nhiên theo quy định của Luật Trách nhiệm bồi thường thiệt hại của Nhà nước năm 2017 và văn bản hướng dẫn, thì trách nhiệm thụ lý, giải quyết yêu cầu bồi thường Nhà nước thuộc về cơ quan tiến hành tố tụng có quyết định buộc tội oan cuối cùng.


Căn cứ vào quá trình tố tụng của vụ án, ngày 12/7/2018, Cơ quan CSĐT Công an TP Tuy Hòa có kết luận điều tra số 13/CSĐT đề nghị truy tố Ngọc Anh, đây là quyết định buộc tội oan cuối cùng đối với bà Ngọc Anh, nên căn cứ Khoản 3 Điều 34 Luật Trách nhiệm bồi thường thiệt hại của Nhà nước năm 2017, thì cơ quan có trách nhiệm thụ lý giải quyết yêu cầu bồi thường của bà Ngọc Anh là Cơ quan CSĐT Công an TP Tuy Hòa.


Mặt khác, nguyên nhân dẫn đến sai phạm trong vụ án này là do Điều tra viên ghi thêm nội dung thể hiện việc bà Ngọc Anh giúp chồng trong việc nhận tiền, đưa tiền mua ma túy gửi về TP Tuy Hòa bán. Trên cơ sở đề xuất của Điều tra viên, các cơ quan tiến hành tố tụng TP Tuy Hòa đã khởi tố, truy tố và xét xử oan đối với bà Ngọc Anh (nhưng sau đó bị hủy án để điều tra lại). Khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm, Viện kiểm sát đã thực hiện đúng trách nhiệm, chức năng, thẩm quyền theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự để làm sáng tỏ bản chất vụ án, nên quan điểm cho rằng Viện kiểm sát là cơ quan có trách nhiệm giải quyết bồi thường là không thuyết phục, bỡi lẽ nguyên nhân dẫn đến việc bà Ngọc Anh bị oan xuất phát từ hành vi làm sai lệch hồ sơ vụ án của Điều tra viên - người của Cơ quan điều tra.


Đồng quan điểm thứ 2, mới đây nhất, Vụ thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử hình sự (Vụ 7) VKSND tối cao đã có Văn bản số 2914/VKSTC-V7 ngày 09/7/2020 gửi Cục Bồi thường Nhà nước – Bộ Tư pháp, nêu rõ ý kiến trao đổi và xác định trách nhiệm thụ lý, giải quyết yêu cầu bồi thường thiệt hại đối với bà Nguyễn Hồng Ngọc Anh thuộc Cơ quan điều tra Công an TP Tuy Hòa và đề nghị Cục Bồi thường Nhà nước – Bộ Tư pháp xem xét lại Công văn số 98/BTNN-NV2 ngày 06/5/2020 về việc xác định cơ quan có trách nhiệm thụ lý, giải quyết yêu cầu bồi thường thiệt hại của bà Nguyễn Hồng Ngọc Anh.


Rất mong nhận được ý kiến trao đổi, phản hồi của quý bạn đọc.


Hồng Lê

CÁC TIN KHÁC

Tin mới nhất

Thứ 2, 18/11/2024:

07h30:

- Chào cờ và nghe các câu chuyện về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

08h00:

- Đ/c Viện trưởng và đại diện Lãnh đạo Phòng 1, 7 dự Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai các giải pháp giảm nguồn cầu về ma túy tại Công an tỉnh.

14h00: 

- Họp giao ban Lãnh đạo Viện.

 

Thứ 3, 19/11/2024: 

08h00:

- Đ/c Thanh - PVT nghe Phòng 1 báo cáo án.

09h00:

- Đ/c Viện trưởng dự Hội nghị Tỉnh ủy lần thứ 18 (đợt 1).

14h00:

- Đ/c Viện trưởng, đ/c Liên - PVT nghe Lãnh đạo Phòng 9 báo cáo công tác.

 

Thứ 4, 20/11/2024: 

08h00:

- Đ/c Liên - PVT nghe Phòng 9 báo cáo án.

13h30:

- Đ/c Viện trưởng và Đoàn kiểm tra kiểm tra toàn diện công tác kiểm sát năm 2024 tại VKSND huyện Tuy An.

14h00:

- Đ/c Thảo - PVT nghe Phòng 7 báo cáo án.

 

Thứ 5, 21/11/2024:  

07h30:

- Hội nghị trực tuyến tập huấn kỹ năng trình bày, duyệt văn bản qua môi trường mạng và công tác lưu trữ (tại hội trường, thành phần: Lãnh đạo Viện và toàn thể công chức VKSND tỉnh).

08h00:

- Đ/c Thảo - PVT và Phòng 8 trực tiếp kiểm sát tại Trại tạm giam Công an tỉnh.

13h00:

- Đ/c Viện trưởng dự Hội nghị thực hiện quy trình công tác cán bộ chủ chốt tại Hà Nội (02 ngày).

14h00:

- Đ/c Thanh - PVT và Phó Chánh VP phụ trách dự Hội nghị trù bị chuẩn bị tổng kết Cụm thi đua VKSND cấp huyện năm 2024 tại VKSND TP Tuy Hòa.

 

Thứ 6, 22/11/2024:

08h00:

- Đ/c Liên - PVT dự Hội nghị trù bị chuẩn bị tổng kết Khối thi đua cấp phòng VKSND tỉnh năm 2024 (tại phòng họp, thành phần: đại diện Lãnh đạo Phòng và công chức làm công tác thi đua, khen thưởng của các đơn vị trong Khối thi đua).


Thứ 7, 23/11/2024: 

Phân công trực cơ quan

 

Chủ nhật, 24/11/2024:

Phân công trực cơ quan