Ngày 20/6/2012, Luật Giám định tư pháp đã được Quốc hội thông qua và có hiệu lực ngày 01/01/2013. Theo quy định tại khoản 2 Điều 25 Luật Giám định tư pháp thìQuyết định trưng cầu giám định phải có các nội dung: Tên cơ quan trưng cầu giám định; họ, tên người có thẩm quyền trưng cầu giám định; Tên tổ chức; họ tên người được trưng cầu giám định; Tên và đặc điểm của đối tượng cần giám định; Tên tài liệu có liên quan hoặc mẫu so sánh gửi kèm theo (nếu có); Nội dung yêu cầu giám định; Ngày tháng năm trưng cầu giám định và thời hạn trả kết quả giám định...
Như vậy, trong phần nội dung của Quyết định trưng cầu giám định, cơ quan trưng cầu giám định phải ấn định thời hạn trả kết quả giám định để cơ quan được trưng cầu biết thực hiện. Quy định này nhằm đảm bảo việc tiến hành giám định được kịp thời, nhanh chóng và cơ quan giám định phải gửi trả kết quả giám định cho cơ quan trưng cầu đúng thời hạn, tránh việc cơ quan được trưng cầu kéo dài thời gian tiến hành giám định hoặc chậm trả kết quả giám định cho cơ quan đã trưng cầu, làm ảnh hưởng đến tiến độ giải quyết các vụ án của các cơ quan tiến hành tố tụng.
Tuy nhiên trên thực tế, khi trưng cầu giám định, nhiều trường hợp các cơ quan tiến hành tố tụng không ghi ấn định thời hạn trả kết quả giám định trong Quyết định trưng cầu giám định là chưa đúng theo quy định tại khoản 2 Điều 25 Luật Giám định tư pháp.
Để đảm bảo cho cơ quan được trưng cầu thực hiện việc giám định một cách nhanh chóng, kịp thời và trả kết quả giám định đúng thời hạn, các cơ quan tiến hành tố tụng khi trưng cầu giám định cần phải ấn định rõ thời hạn trả kết quả giám định trong Quyết định trưng cầu giám định. Đồng thời, khi thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp, Kiểm sát viên cần kiểm sát chặt chẽ nội dung Quyết định trưng cầu giám định để yêu cầu khắc phục khi phát hiện có vi phạm, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả việc giải quyết các vụ án hình sự.
Hồng Khoáng - Quỳnh Như