1. Về áp dụng hình phạt
Theo quy định của BLHS hiện hành và Dự thảo BLHS sửa đổi: Người chưa thành niên từ đủ 14 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội phải chịu trách nhiệm hình sự theo những quy định của Chương này, đồng thời theo những quy định khác của Phần chung Bộ luật này. Việc xử lý người chưa thành niên phạm tội phải bảo đảm lợi ích tốt nhất của người chưa thành niên và chủ yếu nhằm mục đích giáo dục, giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh, trở thành công dân có ích cho xã hội. Việc xử lý người chưa thành niên phạm tội phải căn cứ vào độ tuổi, khả năng nhận thức của họ về tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nguyên nhân và điều kiện gây ra tội phạm.
Xuất phát từ những hạn chế về tâm, sinh lý và thể chất của người chưa thành niên nên chính sách hình sự của Nhà nước ta có những quy định riêng đối với người chưa thành niên phạm tội. Điều này được cụ thể hóa tại Chương X – Những quy định đối với người chưa thành niên phạm tội của hiện hành (và Chương XII- Dự thảo BLHS sửa đổi). Theo Điều 74 BLHS hiện hành, hình phạt tù đối với người chưa thành niên phạm tội được quy định như sau:
“1. Đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi khi phạm tội, nếu điều luật được áp dụng quy định hình phạt tù chung thân hoặc tử hình, thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá mười tám năm tù; nếu là tù có thời hạn thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá ba phần tư mức phạt tù mà điều luật quy định;
2. Đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi khi phạm tội, nếu điều luật được áp dụng quy định hình phạt tù chung thân hoặc tử hình, thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá mười hai năm tù; nếu là tù có thời hạn thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá một phần hai mức phạt tù mà điều luật quy định.”
Tuy nhiên, trường hợp người chưa thành niên phạm tội nhiều lần, phạm nhiều tội; trong đó có lần, có tội được thực hiện khi chưa đủ 16 tuổi (hoặc chưa đủ 18 tuổi); có lần, có tội được thực hiện khi đã đủ 16 tuổi (hoặc đủ 18 tuổi) thì BLHS hiện hành chưa quy định, và cũng chưa có văn bản nào của cơ quan có thẩm quyền hướng dẫn cụ thể. Do đó, trên thực tế trong quá trình áp dụng BLHS trong thời gian qua đã xảy ra những nhận thức và cách áp dụng khác nhau.
Có ý kiến cho rằng, cần áp dụng theo hướng có lợi cho người phạm tội, nghĩa là áp dụng hình phạt theo quy định của BLHS đối với trường hợp người phạm tội chưa đủ 16 tuổi (hoặc đủ 18 tuổi).
Ý kiến khác thì cho rằng, khi thực hiện hành vi phạm tội lần thứ đầu, người phạm tội chưa đủ 16 tuổi (hoặc chưa đủ 18 tuổi), nhưng sau đó người này lại tiếp tục thực hiện hành vi phạm tội khi đã đủ 16 tuổi (hoặc đủ 18 tuổi). Việc phạm tội nhiều lần; nhiều tội như vậy thể hiện sự xem thường pháp luật; do đó trong trường hợp này nếu là tù có thời hạn thì cần xử phạt bằng ¾ mức hình phạt đối với người thành niên phạm tội (nếu chưa đủ 18 tuổi) và xử phạt như đối với người chưa thành niên (nếu đã đủ 18 tuổi) mới bảo đảm tính răn đe, giáo dục và phòng ngừa chung.
Do đó, chúng tôi nhất trí với việc Dự thảo BLHS sửa đổi đã bổ sung nội dung này. Theo đó:
Tại Điều 103 quy định về tổng hợp hình phạt trong trường hợp phạm nhiều tội:
...2. Đối với người chưa thành niên phạm nhiều tội, có tội được thực hiện trước khi đủ 16 tuổi, có tội được thực hiện sau 16 tuổi, thì việc tổng hợp hình phạt áp dụng như sau:
a) Nếu mức hình phạt đã tuyên đối với tội được thực hiện trước khi người đó đủ 16 tuổi nặng hơn hoặc bằng mức hình phạt đã tuyên đối với tội được thực hiện sau 16 tuổi thì hình phạt chung không vượt quá mức hình phạt cao nhất đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi theo quy định tại khoản 1 Điều này;
b) Nếu mức hình phạt đã tuyên đối với tội được thực hiện sau khi người đó đủ 16 tuổi nặng hơn mức hình phạt đã tuyên đối với tội được thực hiện trước 16 tuổi thì hình phạt chung không vượt quá mức hình phạt cao nhất đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi theo quy định tại khoản 1 Điều này.
3. Đối với người phạm nhiều tội, có tội được thực hiện trước khi đủ 18 tuổi, có tội được thực hiện sau khi đủ 18 tuổi, thì việc tổng hợp hình phạt áp dụng như sau:
a) Nếu mức hình phạt Toà án tuyên đối với tội được thực hiện khi người đó chưa đủ 18 tuổi nặng hơn hoặc bằng mức hình phạt áp dụng đối với tội được thực hiện khi người đó đã đủ 18 tuổi, thì hình phạt chung không được vượt quá mức hình phạt cao nhất quy định tại khoản 1 Điều này;
b) Nếu mức hình phạt Toà án tuyên đối với tội được thực hiện khi người đó đã đủ 18 tuổi nặng hơn mức phạt áp dụng đối với tội thực hiện khi người đó chưa đủ 18 tuổi thì hình phạt chung áp dụng như đối với người đã thành niên phạm tội.
Tuy nhiên, quy định nói trên mới chỉ quy định về trường hợp phạm nhiều tội; chưa quy định trường hợp phạm tội nhiều lần. Vì vậy, đề nghị bổ sung vấn đề này vào Điều 103 Dự thảo.
2. Về tuổi chịu trách nhiệm hình sự
Tại Điều 12 Dự thảo BLHS sửa đổi quy định:
1. Người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm, trừ những trường hợp khác do Bộ luật này quy định.
2. Phương án 1: Người từ đủ 14 tuổi trở lên, nhưng chưa đủ 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội giết người, tội hiếp dâm, tội hiếp dâm trẻ em, tội cưỡng dâm trẻ em, tội cướp tài sản, tội cướp giật tài sản và tội rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng quy định tại một trong các điều sau đây:
a) Điều 133 (tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác); Điều 142 (tội cưỡng dâm);
b) Điều 168 (tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản); Điều 169 (tội cưỡng đoạt tài sản); Điều 172 (tội trộm cắp tài sản); Điều 177 (tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản);
c) Điều 249 (tội sản xuất trái phép chất ma túy); Điều 250 (tội tàng trữ, trái phép chất ma túy); Điều 251 (tội vận chuyển trái phép chất ma túy); Điều 252 (tội mua bán trái phép chất ma túy); Điều 253 (tội chiếm đoạt chất ma túy);
d) Điều 275 (tội đua xe trái phép);
đ) Điều 294 (tội sản xuất, mua bán, trao đổi hoặc tặng cho công cụ, thiết bị, phần mềm dùng để tấn công mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử); Điều 295 (tội phát tán vi rút, chương trình tin học có tính năng gây hại cho hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử); Điều 296 (tội cản trở hoặc gây rối loạn hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử); Điều 298 (tội truy cập bất hợp pháp vào mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử của người khác); Điều 299 (tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản); Điều 300 (tội truy cập trái phép tài khoản ngân hàng của tổ chức, cá nhân chiếm đoạn tài sản); Điều 304 (tội thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán, công khai hóa thông tin về tài khoản ngân hàng); Điều 305 (tội sản xuất mua bán, tàng trữ, lưu hành thẻ ngân hàng giả để thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản);
e) Điều 311 (tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự); Điều 316 (tội phá hủy công trình, cơ sở, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia).
Phương án 2: Giữ nguyên như quy định hiện hành.
Chúng tôi nhất trí với Phương án 2, bởi vì theo Phương án 1 dễ dẫn đến bỏ lọt tội phạm. Hơn nữa, việc chỉ quy định một số loại tội như Phương án 1 chưa có cơ sở khoa học, cơ sở pháp lý vững chắc (những lập luận bảo vệ ý kiến này chưa có sức thuyết phục). Hơn nữa, theo quy định tại Điều 12 BLHS hiện hành “Người từ đủ 14 tuổi trở lên, nhưng chưa đủ 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng”. Theo đó, những người này không phải chịu trách nhiệm hình sự về các tội như hiếp dâm theo khoản 1 Điều 111 BLHS, cướp giật tài sản theo khoản 1 Điều 136 BLHS. Thế nhưng, Dự thảo BLHS sửa đổi lại bắt những người này phải chịu trách nhiệm hình sự đối với các tội danh nói trên là chưa phù hợp…
Giang Hà