Kiến nghị của VKSND phải được xem xét, giải quyết, trả lời trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được kiến nghị. Đây là nội dung mới về nhiệm vụ, quyền hạn của VKSND trong Luật thi hành tạm giữ, tạm giam năm 2015.
Theo đó, khi kiểm sát quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam, VKSND có các nhiệm vụ, quyền hạn được quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 42 Luật thi hành tạm giữ, tạm giam năm 2015 như sau: Kháng nghị, kiến nghị, yêu cầu cơ quan, người có thẩm quyền trong việc tạm giữ, tạm giam; đình chỉ việc thi hành, sửa đổi hoặc bãi bỏ quyết định có vi phạm pháp luật trong quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam, chấm dứt hành vi vi phạm pháp luật và yêu cầu xử lý người vi phạm pháp luật Kiến nghị này phải được xem xét, giải quyết, trả lời cho VKSND trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được kiến nghị.
Ngoài ra, một điểm mới quy định tại khoản 1 Điều 43 Luật này cũng nêu rõ về yêu cầu cung cấp hồ sơ, tài liệu có liên quan đến quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam phải được thực hiện ngay; yêu cầu thông báo tình hình tạm giữ, tạm giam, yêu cầu trả lời về quyết định, biện pháp hoặc việc làm vi phạm pháp luật trong việc tạm giữ, tạm giam được thực hiện trong thời hạn 15 ngày.
Bên cạnh đó, Luật thi hành tạm giữ, tạm giam năm 2015 cũng đã quy định cụ thể về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát nhân dân tại 15 Điều trong 3 Chương, bao gồm: Chương I – Những quy định chung (Điều 6); Chương VIII – Kiểm sát quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam (Điều 42, Điều 43); Chương IX – Khiếu nại, tố cáo và giải quyết khiếu nại, tố cáo… (Điều 46, 49, 50, 51, 52, 53, 54, 55, 59, 60 và Điều 61); Chương IX – Trách nhiệm trong quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam (Điều 65). Theo đó, Viện kiểm sát nhân dân vừa có chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn trong kiểm sát quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam vừa có nhiệm vụ tiếp nhận, giải quyết khiếu nại, tố cáo trong quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam.
Theo đó, nhiệm vụ, quyền hạn của VKSND, Luật đã quy định rõ: Khi kiểm sát quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam, Viện kiểm sát nhân dân có các nhiệm vụ, quyền hạn: Kiểm sát tại trại tạm giam, nhà tạm giữ, buồng tạm giữ; hỏi người bị tạm giữ, người bị tạm giam về việc tạm giữ, tạm giam; kiểm sát hồ sơ tạm giữ, tạm giam; yêu cầu Trưởng nhà tạm giữ, Giám thị trại tạm giam, Trưởng buồng tạm giữ Bộ đội Biên phòng tự kiểm tra việc tạm giữ, tạm giam và thông báo kết quả cho Viện kiểm sát; cung cấp hồ sơ, tài liệu có liên quan đến việc thi hành tạm giữ, tạm giam; thông báo tình hình thi hành tạm giữ, tạm giam; trả lời về quyết định, biện pháp hoặc việc làm vi phạm pháp luật trong việc tạm giữ, tạm giam; quyết định trả tự do ngay cho người bị tạm giữ, người bị tạm giam không có căn cứ và trái pháp luật; kháng nghị, kiến nghị, yêu cầu cơ quan, người có thẩm quyền trong việc tạm giữ, tạm giam; đình chỉ việc thi hành, sửa đổi hoặc bãi bỏ quyết định có vi phạm pháp luật trong quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam, chấm dứt hành vi vi phạm pháp luật và yêu cầu xử lý người vi phạm pháp luật; khởi tố hoặc yêu cầu Cơ quan điều tra khởi tố vụ án hình sự khi phát hiện vụ việc có dấu hiệu tội phạm trong quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam theo quy định của pháp luật; giải quyết khiếu nại, tố cáo và thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn khác trong kiểm sát quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam theo quy định của Luật này, Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân và Bộ luật Tố tụng hình sự.
Việc xây dựng, ban hành Luật thi hành tạm giữ, tạm giam trong tình hình hiện nay là cần thiết nhằm tháo gỡ những khó khăn, hạn chế, bất cập, bảo đảm hiệu quả công tác quản lý giam giữ phục vụ có hiệu quả cho công tác điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án; đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ với Hiến pháp năm 2013; Luật Tổ chức VKSND năm 2014 và các luật khác có liên quan; đảm bảo tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tạm giữ, người bị tạm giam.
Luật thi hành tạm giữ, tạm giam năm 2015 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2016.
Nguồn: kiemsat.vn