Ngày 06/9/2019, Viện trưởng VKSND tối cao đã ban hành kèm theo Quyết định số 399/QĐ-VKSTC quy định về quy trình, kỹ năng kiểm sát bản án, quyết định giải quyết vụ án dân sự của Tòa án. Quy định này có hiệu lực kể từ ngày ký.
Theo đó, Quy định này quy định về quy trình, kỹ năng kiểm sát bản án, quyết định giải quyết vụ án dân sự của Tòa án bao gồm: Bản án sơ thẩm, Bản án phúc thẩm; Quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự; Quyết định đình chỉ giải quyết vụ án; Quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm; Quyết định hủy bản án sơ thẩm và đình chỉ giải quyết vụ án dân sự; Quyết định giám đốc thẩm và Quyết định tái thẩm (sau đây viết tắt là bản án, quyết định). Đối với các quyết định khác được Tòa án ban hành trong quá trình thụ lý, giải quyết vụ án dân sự, việc kiểm sát được thực hiện theo quy định của pháp luật và chỉ áp dụng Quy định này nếu phù hợp. Quy định này không áp dụng đối với các quyết định giải quyết việc dân sự của Tòa án.
Quy định này được áp dụng đối với các đối tượng sau đây:
1. VKSND tối cao, VKSND cấp cao, VKSND cấp tỉnh, VKSND cấp huyện;
2. Kiểm sát viên, Kiểm tra viên, công chức khác của VKSND các cấp được giao nhiệm vụ kiểm sát bản án, quyết định giải quyết vụ án dân sự của Tòa án (sau đây gọi chung là công chức).
Việc kiểm sát bản án, quyết định giải quyết vụ án dân sự phải bảo đảm các nguyên tắc sau:
1. Tuân thủ pháp luật tố tụng dân sự và các quy định pháp luật khác, các quy định, hướng dẫn của VKSND tối cao có liên quan.
2. Tuân thủ nguyên tắc tập trung thống nhất lãnh đạo của VKSND và nguyên tắc hoạt động của Kiểm sát viên khi kiểm sát hoạt động tư pháp.
3. Bảo đảm sự vô tư, khách quan, kịp thời trong tố tụng dân sự; bảo đảm trách nhiệm của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng thuộc VKSND.
Khi nhận được bản án, quyết định do Tòa án chuyển đến, công chức thực hiện theo quy trình sau:
1. Trường hợp VKS tham gia phiên tòa:
a) Vào Sổ thụ lý kiểm sát bản án, quyết định;
b) Lập Phiếu kiểm sát theo Mẫu số 14/DS Danh mục biểu mẫu công tác kiểm sát việc giải quyết vụ việc dân sự được ban hành kèm theo Quyết định số 204/QĐ-VKSTC ngày 01/6/2017 về việc ban hành mẫu văn bản tố tụng, nghiệp vụ tạm thời trong lĩnh vực kiểm sát hoạt động tư pháp (sau đây viết tắt là Mẫu số 14/DS).
c) Bổ sung văn bản, tài liệu cần thiết vào hồ sơ kiểm sát theo quy định tại Điều 12 Quy chế công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ việc dân sự ban hành kèm theo Quyết định số 364/QĐ-VKSTC ngày 02/10/2017 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao (sau đây viết tắt là Quy chế số 364/2017).
d) Kiểm sát hình thức, nội dung bản án, quyết định; yêu cầu Tòa án xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ theo Mẫu số 06/DS hoặc tự mình thu thập tài liệu, chứng cứ để bảo đảm cho việc kháng nghị (nếu cần thiết), trừ trường hợp bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật.
đ) Sao gửi bản án, quyết định kèm theo Phiếu kiểm sát bản án, quyết định đó cho Viện kiểm sát có thẩm quyền.
Đối với bản án, quyết định chưa có hiệu lực pháp luật, Viện kiểm sát ở cấp sơ thẩm phải sao gửi ngay bản án, quyết định kèm theo Phiếu kiểm sát bản án, quyết định đó, thông báo việc kháng cáo (nếu có) cho Viện kiểm sát ở cấp phúc thẩm để thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo thẩm quyền.
Đối với bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật, Viện kiểm sát ở cấp sơ thẩm hoặc phúc thẩm sao gửi bản án, quyết định kèm theo Phiếu kiểm sát bản án, quyết định đó cho Viện kiểm sát cấp cao có thẩm quyền theo lãnh thổ.
e) Dự thảo văn bản kiến nghị theo Mẫu số 10/DS hoặc quyết định kháng nghị theo các mẫu số 15/DS, 18/DS, 31/DS, 33/DS trong trường hợp phát hiện bản án, quyết định có vi phạm.
2. Trường hợp VKS không tham gia phiên tòa: Công chức thực hiện các bước quy định tại khoản 1 Điều này, nhưng trước khi thực hiện hoạt động theo điểm c khoản 1, công chức có thể yêu cầu Tòa án chuyển hồ sơ vụ án theo quy định tại Điều 5 Thông tư liên tịch số 02/2016/TTLT-VKSNDTC-TANDTC ngày 31/8/2016 quy định việc phối hợp giữa Viện kiểm sát nhân dân và Tòa án nhân dân trong việc thi hành một số quy định của Bộ luật tố tụng dân sự (sau đây viết tắt là TTLT số 02/2016) để kiểm sát, xem xét việc kháng nghị, nếu thấy cần thiết.
Kỹ năng chung về kiểm sát bản án, quyết định:
1. Khi kiểm sát bản án, quyết định, công chức kiểm sát về thời hạn gửi, thời hạn ban hành (nếu có), căn cứ, thẩm quyền ban hành, nội dung, hình thức của bản án, quyết định.
2. Trường hợp Kiểm sát viên tham gia phiên tòa, việc kiểm sát bản án, quyết định được bắt đầu thực hiện ngay từ khi Hội đồng xét xử tuyên án. Trường hợp Kiểm sát viên không tham gia phiên tòa hoặc quyết định được ban hành trong thời hạn chuẩn bị xét xử thì việc kiểm sát bản án, quyết định được bắt đầu thực hiện từ khi Viện kiểm sát nhận được bản án, quyết định.
3. Trường hợp phát hiện bản án, quyết định có vi phạm thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, công chức báo cáo bằng văn bản với Lãnh đạo Viện kiểm sát để xem xét kháng nghị hoặc kiến nghị theo thẩm quyền.
a) Đối với vi phạm ít nghiêm trọng, công chức đề xuất Lãnh đạo Viện kiểm sát thực hiện quyền kiến nghị Tòa án khắc phục vi phạm đối với vụ án cụ thể hoặc tổng hợp vi phạm để ban hành kiến nghị chung.
b) Đối với vi phạm nghiêm trọng, công chức đề xuất Lãnh đạo Viện kiểm sát thực hiện quyền kháng nghị.
Trường hợp bản án, quyết định sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật có vi phạm nghiêm trọng mà đã hết thời hạn kháng nghị của Viện kiểm sát cùng cấp với Tòa án đã xét xử sơ thẩm thì Viện trưởng Viện kiểm sát cùng cấp kịp thời báo cáo Lãnh đạo Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp xem xét kháng nghị phúc thẩm theo thẩm quyền.
Trường hợp bản án, quyết định sơ thẩm đã có hiệu lực pháp luật mà phát hiện vi phạm nghiêm trọng hoặc tình tiết mới làm thay đổi cơ bản nội dung bản án, quyết định thì công chức đề xuất với Lãnh đạo Viện kiểm sát cấp mình để thông báo cho Viện trưởng Viện kiểm sát cấp có thẩm quyền xem xét kháng nghị giám đốc thẩm hoặc tái thẩm.
4. Trường hợp phát hiện dấu hiệu tội phạm thuộc thẩm quyền giải quyết của Cơ quan điều tra VKSND tối cao thì Viện kiểm sát đã phát hiện thông báo ngay cho Cơ quan điều tra VKSND tối cao xem xét, giải quyết theo quy định của pháp luật.
GIANG HÀ