Theo Quy định về quy trình, kỹ năng kiểm sát bản án, quyết định giải quyết vụ án dân sự của Tòa án (ban hành kèm theo Quyết định số 399/QĐ-VKSTC ngày 06/9/2019 của Viện trưởng VKSND tối cao), khi kiểm sát bản án sơ thẩm, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên, công chức khác của VKSND các cấp được giao nhiệm vụ kiểm sát bản án, quyết định giải quyết vụ án dân sự của Tòa án (sau đây gọi chung là công chức) thực hiện quy trình, kỹ năng tại Điều 4 và Điều 5 Quy định này.
Đồng thời, lưu ý kiểm sát các nội dung cụ thể sau đây:
1. Kiểm sát thời hạn gửi bản án: Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày tuyên án, Tòa án phải giao hoặc gửi bản án cho Viện kiểm sát cùng cấp theo quy định tại khoản 2 Điều 269 Bộ luật tố tụng dân sự (sau đây viết tắt là BLTTDS). Vì vậy, công chức căn cứ ngày tuyên án sơ thẩm, ngày gửi theo dấu bưu điện trên bì thư và ngày Viện kiểm sát nhận được bản án sơ thẩm để xác định Tòa án có vi phạm không.
2. Kiểm sát về thẩm quyền: Để kiểm sát vụ án có thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án hay của cơ quan khác, cần căn cứ nội dung đơn khởi kiện, đơn yêu cầu phản tố, yêu cầu độc lập của các đương sự, trình bày của nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan để xác định quan hệ pháp luật tranh chấp có thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án quy định tại các điều 26, 28, 30 và 32 BLTTDS không.
Trường hợp vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án thì xác định nơi bị đơn cư trú, làm việc, nơi có bất động sản tranh chấp hoặc sự thỏa thuận của các đương sự (nếu có) và căn cứ quy định tại các điều 35, 36, 37, 38, 39 và 40 BLTTDS để xem xét vụ án đó có thuộc thẩm quyền của Tòa án đã thụ lý, giải quyết vụ án không.
3. Kiểm sát hình thức bản án: Bản án được viết theo Mẫu số 52 trong Danh mục 93 biểu mẫu trong tố tụng dân sự ban hành kèm theo Nghị quyết số 01/2017 ngày 13/01/2017 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao ban hành một số biểu mẫu trong tố tụng dân sự (sau đây viết tắt là Mẫu số 52 Nghị quyết số 01/2017). Bản án phải có đầy đủ nội dung quy định tại khoản 2 Điều 266 BLTTDS.
4. Kiểm sát nội dung bản án
a) Đối với Phần mở đầu của bản án: Về quan hệ tranh chấp: Trên cơ sở nội dung trình bày của các đương sự tại phần nội dung vụ án của bản án, căn cứ các điều 26, 28, 30 và 32 BLTTDS, công chức xác định quan hệ tranh chấp và đánh giá việc Tòa án xác định quan hệ tranh chấp có đúng không.
Về thời hạn chuẩn bị xét xử: Căn cứ ngày, tháng, năm Tòa án thụ lý vụ án để xác định thời hạn Tòa án ra quyết định đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm có đúng quy định tại khoản 1 Điều 203 BLTTDS không. Trường hợp vụ án được gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm, phải chú ý có điều kiện gia hạn là vụ án có tính chất phức tạp hoặc do sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan không. Thời hạn tính bằng “tháng” thì xác định theo quy định của Bộ luật dân sự (sau đây viết tắt là BLDS).
Về thời hạn mở phiên tòa: Căn cứ ngày Tòa án ra Quyết định đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm để xác định thời hạn mở phiên tòa xét xử sơ thẩm có đúng quy định tại khoản 4 Điều 203 BLTTDS không. Trường hợp hoãn phiên tòa sơ thẩm theo quy định tại Điều 233 BLTTDS hoặc tạm ngừng phiên tòa sơ thẩm theo quy định tại Điều 259 BLTTDS thì phải kiểm sát thời gian mở lại phiên tòa. Trường hợp vụ án được gia hạn thời hạn mở phiên tòa xét xử sơ thẩm, phải xác định, đánh giá lý do của việc gia hạn có phải là lý do chính đáng không.
Về thành phần Hội đồng xét xử sơ thẩm: Đối chiếu thành phần Hội đồng xét xử, tư cách pháp lý của thành viên Hội đồng xét xử có đúng hoặc không đúng theo quyết định đưa vụ án ra xét xử. Chú ý trường hợp phải từ chối, thay đổi người tiến hành tố tụng, đặc biệt đối với Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân, Thư ký Tòa án đã tham gia giải quyết vụ án được quy định tại khoản 3 Điều 53, khoản 2 Điều 54 BLTTDS.
Về tư cách, sự có mặt của đương sự, người đại diện, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, người làm chứng, người giám định, người phiên dịch… có đúng, đủ theo quyết định đưa vụ án ra xét xử không. Trường hợp vắng mặt đương sự, người đại diện, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, cần xác định lý do vắng mặt để kiểm sát việc Tòa án hoãn phiên tòa hoặc vẫn tiến hành xét xử có đúng quy định tại Điều 227 và Điều 228 BLTTDS không. Trường hợp người làm chứng, người giám định, người phiên dịch vắng mặt tại phiên tòa thì kiểm sát việc xử lý của Tòa án theo quy định tại các điều 229, 230 và 231 BLTTDS.
Về năng lực pháp luật dân sự và năng lực hành vi dân sự của đương sự và người tham gia tố tụng khác: Công chức kiểm sát bằng cách đối chiếu với các tài liệu có trong hồ sơ (giấy khai sinh, chứng minh thư nhân dân, sổ hộ khẩu, bệnh án,…) để xác định độ tuổi, năng lực nhận thức và điều khiển hành vi của đương sự. Chú ý xem xét, đánh giá về thủ tục ủy quyền, nội dung ủy quyền, phạm vi ủy quyền trong vụ án có người đại diện theo ủy quyền tham gia tố tụng.
Về thời hiệu khởi kiện: Căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 184 BLTTDS để kiểm sát về thời hiệu khởi kiện. Lưu ý chỉ áp dụng thời hiệu theo yêu cầu của một hoặc các bên đương sự và yêu cầu này phải được đưa ra trước khi Tòa án cấp sơ thẩm ra bản án, quyết định giải quyết vụ án dân sự, đồng thời kiểm sát việc Tòa án xác định thời điểm để tính thời hiệu khởi kiện. Trường hợp áp dụng thời hiệu khởi kiện, công chức căn cứ vào các điều 132, 429, 588, 623 và 671 BLDS và pháp luật có liên quan để xác định thời hiệu khởi kiện theo từng loại tranh chấp tương ứng. Đồng thời, lưu ý thời gian không tính vào thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự theo quy định tại Điều 156 BLDS.
Về quyền khởi kiện, phạm vi khởi kiện, nội dung khởi kiện của nguyên đơn; yêu cầu phản tố của bị đơn; yêu cầu độc lập của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan: Căn cứ vào quy định tại các điều 186, 187, 188, 189, 200, 201 và 202 BLTTDS, trên cơ sở nội dung đơn khởi kiện, đơn phản tố hoặc yêu cầu độc lập được thể hiện tại phần nội dung vụ án của bản án để xác định quyền khởi kiện, phạm vi khởi kiện, nội dung khởi kiện của nguyên đơn; yêu cầu phản tố của bị đơn; yêu cầu độc lập của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có đúng hay không đúng quy định. Trường hợp đơn khởi kiện, yêu cầu phản tố, yêu cầu độc lập chưa rõ thì xem xét trong quá trình giải quyết vụ án, Tòa án đã làm rõ hay chưa. Kiểm sát việc Toà án giải quyết vụ án đúng hoặc không đúng phạm vi yêu cầu, đề nghị của đương sự. Có đưa đầy đủ người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan vào tham gia tố tụng không.
b) Đối với Phần nội dung vụ án trong bản án: Công chức lưu ý nội dung yêu cầu của đương sự đối với Tòa án trong quá trình giải quyết vụ án được nêu trong đơn khởi kiện của nguyên đơn, yêu cầu phản tố của bị đơn, yêu cầu độc lập của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan và việc thay đổi, bổ sung yêu cầu của đương sự trong quá trình giải quyết vụ án thể hiện trong bản tự khai, biên bản lấy lời khai, biên bản hòa giải, lời trình bày của đương sự tại phiên tòa. Các chứng cứ mà đương sự xuất trình để bảo vệ cho các yêu cầu của mình có đáp ứng đủ các thuộc tính của chứng cứ không (tính khách quan, tính liên quan và tính hợp pháp). Bản án phải thể hiện đầy đủ, ngắn gọn nội dung các tài liệu, chứng cứ đã có trong hồ sơ vụ án, những tình tiết, sự kiện không phải chứng minh, những tình tiết mà các bên đã thống nhất hoặc không thống nhất và lập luận của Tòa án về việc chấp nhận các tài liệu có giá trị chứng cứ hay không như: biên bản định giá, kết luận giám định,…
c) Đối với Phần nhận định của Tòa án trong bản án (về áp dụng pháp luật tố tụng và pháp luật nội dung):
Xác định nhận định của bản án có phù hợp hoặc không phù hợp với những tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án và đã được kiểm tra, làm rõ tại phiên tòa. Tòa án có nhận định, phân tích từng vấn đề mà đương sự yêu cầu giải quyết (yêu cầu nào có căn cứ, yêu cầu nào không có căn cứ; yêu cầu nào phù hợp, yêu cầu nào không phù hợp với tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án và các tài liệu, chứng cứ đã được xem xét tại phiên tòa, kết quả tranh tụng tại phiên tòa). Trên cơ sở đó, đối chiếu nhận định của bản án với ý kiến của Viện kiểm sát, quan điểm của Luật sư (nếu có).
Kiểm sát việc Tòa án phân tích, viện dẫn căn cứ pháp luật, án lệ (nếu có) để chấp nhận hoặc không chấp nhận yêu cầu, đề nghị của đương sự; yêu cầu, đề nghị của cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người khác (nếu có); yêu cầu, đề nghị của người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự (nếu có); ý kiến của đại diện Viện kiểm sát (nếu có); giải quyết các vấn đề khác có liên quan. Kiểm sát việc Tòa án áp dụng căn cứ pháp luật để giải quyết từng nội dung cụ thể, xác định tranh chấp phải áp dụng quy định pháp luật nào để giải quyết (Bộ luật dân sự, Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Thương mại, Bộ luật lao động, các văn bản pháp luật thuộc các lĩnh vực khác có liên quan đến việc giải quyết vụ án cùng các các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành); bản án đã áp dụng đúng văn bản quy phạm pháp luật, điểm, khoản, điều của văn bản quy phạm pháp luật hay chưa.
Nếu vụ án thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 4 BLTTDS thì kiểm sát việc Tòa án phân tích, lập luận về việc áp dụng tập quán, tương tự pháp luật, nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự, án lệ hoặc lẽ công bằng có chính xác không.
d) Đối với Phần quyết định của bản án: Kiểm sát việc bản án tuyên về từng vấn đề phải giải quyết trong vụ án như:
(i) Áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời (nếu có);
(ii) Án phí, chi phí tố tụng: Kiểm sát việc Tòa tuyên nghĩa vụ chịu án phí theo quy định tại Điều 147 BLTTDS và Nghị quyết số 326/2016 ngày 30/12/2016 quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án (sau đây viết tắt là Nghị quyết số 326/2016); việc xử lý tiền tạm ứng án phí theo quy định tại Điều 144 BLTTDS; nghĩa vụ chịu chi phí tố tụng (chi phí ủy thác tư pháp, xem xét, thẩm định tại chỗ, giám định, định giá tài sản, thẩm định giá, chi phí cho người làm chứng, người phiên dịch, luật sư (nếu có); việc xử lý tạm ứng chi phí tố tụng có tuân thủ quy định tại các điều 151, 154, 155, 158, 159, 162, 163 và 166 BLTTDS không.
(iii) Quyền kháng cáo đối với bản án theo quy định tại Điều 271 và khoản 1 Điều 273 BLTTDS, quyền kháng nghị quy định tại Điều 278 và khoản 1 Điều 280 BLTTDS;
(iv) Trường hợp có quyết định phải thi hành ngay thì phải ghi rõ quyết định đó;
(v) Trường hợp xét xử sơ thẩm lại vụ án mà bản án, quyết định đã bị hủy một phần hoặc toàn bộ theo quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm trong đó bản án, quyết định đã thi hành được một phần hoặc toàn bộ thì bản án có ghi rõ vấn đề tài sản, nghĩa vụ đã được thi hành không.
(vi) Quyền yêu cầu thi hành án, nghĩa vụ thi hành án, thời hiệu thi hành án. Trường hợp bản án tuyên buộc đương sự phải thực hiện nghĩa vụ bằng tiền thì phải có nội dung về lãi suất chậm thi hành án.
Khi kiểm sát phần quyết định của bản án, công chức phải đối chiếu việc phân tích, đánh giá chứng cứ, nhận định trong Phần “Nhận định” của Tòa án đã đủ cơ sở để Hội đồng xét xử quyết định chấp nhận hoặc không chấp nhận một phần hoặc toàn bộ yêu cầu khởi kiện, yêu cầu phản tố, yêu cầu độc lập của đương sự; đã giải quyết đầy đủ các yêu cầu của đương sự chưa, có vượt quá phạm vi yêu cầu khởi kiện, yêu cầu phản tố, yêu cầu độc lập của đương sự không.
5. Khi kiểm sát bản án, cần lưu ý nghiên cứu, đối chiếu giữa phần nội dung vụ án, phần nhận định và phần quyết định của bản án để kiểm tra xem có nội dung nào còn thiếu (có nêu trong phần nhận định nhưng không được thể hiện trong phần quyết định hoặc ngược lại) hoặc có mâu thuẫn giữa các phần không. Nếu phát hiện vi phạm này thì có thể yêu cầu Tòa án chuyển hồ sơ để nghiên cứu.
Đối chiếu yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn; yêu cầu phản tố, đề nghị của bị đơn; yêu cầu độc lập, đề nghị của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan được thể hiện trong bản án có đúng với tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ Tòa án chuyển cho Viện kiểm sát nghiên cứu trước khi tham gia phiên tòa; tài liệu, chứng cứ đương sự cung cấp tại phiên tòa; trình bày của đương sự tại phiên tòa. Ý kiến của Viện kiểm sát thể hiện trong bản án có đúng ý kiến mà Viện kiểm sát đã phát biểu tại phiên tòa. Nội dung nhận định về việc đương sự cung cấp chứng cứ tại phiên tòa, các tình tiết mới phát sinh (nếu có). Đối chiếu phần quyết định của bản án với nội dung đã tuyên án tại phiên tòa.
6. Trường hợp Hội đồng xét xử tuyên án không phù hợp với diễn biến phiên tòa, nhận định không khách quan hoặc trái với nội dung phát biểu của Viện kiểm sát về việc tuân theo pháp luật và quan điểm giải quyết vụ án, Kiểm sát viên phải báo cáo ngay kết quả xét xử vụ án với Lãnh đạo Viện kiểm sát. Báo cáo kết quả xét xử phải nêu rõ nội dung vi phạm, căn cứ pháp luật xác định vi phạm và đề xuất quan điểm giải quyết.
7. Trường hợp phát hiện bản án sơ thẩm có vi phạm về thủ tục tố tụng, có sai lầm trong việc áp dụng pháp luật, quyết định của bản án không phù hợp với tình tiết khách quan của vụ án, xâm phạm quyền con người, quyền công dân, lợi ích Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân thì công chức đề xuất với Lãnh đạo Viện kiểm sát thực hiện quyền kháng nghị phúc thẩm. Thời hạn kháng nghị phúc thẩm của Viện kiểm sát cùng cấp và Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp theo quy định tại khoản 1 Điều 280 BLTTDS. Trường hợp vì lý do khách quan, Viện kiểm sát kháng nghị quá hạn thì khi chuyển cho Tòa án quyết định kháng nghị, đồng thời chuyển văn bản giải thích lý do kháng nghị quá hạn theo quy định tại khoản 3 Điều 280 BLTTDS và Điều 16 TTLT số 02/2016.
Khi xét thấy cần thiết, công chức đề xuất việc thu thập tài liệu, chứng cứ để bảo đảm thực hiện quyền kháng nghị theo quy định tại khoản 6 Điều 97 BLTTDS. Trường hợp đặc biệt phải trưng cầu giám định lại thì báo cáo đề nghị Viện trưởng VKSND tối cao quyết định theo quy định tại khoản 5 Điều 102 BLTTDS.
GIANG HÀ