Trang thông tin điện tử VKSND tỉnh đã giới thiệu phần giải đáp một số vướng mắc thường gặp trong quá trình giải quyết các vụ án ma túy theo Công văn bản số 89/TANDTC-PC ngày 30/6/2020 của TAND tối cao. Trang thông tin điện tử VKSND tỉnh tiếp tục giới thiệu về nội dung này.
1. Trường hợp thu giữ được chất ma túy tổng hợp (dạng viên nén), bên trong có chứa nhiều loại chất ma túy khác nhau và theo quy định của Bộ luật Hình sự các chất ma túy này bị xử lý ở các điểm khác nhau (Ví dụ: chất thu giữ được là ma túy tổng hợp có chứa MDMA, Methamphetamine và Methylphenidate, trong đó MDMA, Methamphetamine được quy định tại điểm c khoản 1 Điều 249, Methylphenidate là ma túy thể rắn được quy định tại điểm g khoản 1 Điều 249), thì có phải giám định hàm lượng để phân tách khối lượng từng loại chất ma túy làm căn cứ xử lý trách nhiệm hình sự hay không?
Điểm i khoản 1 Điều 2 Nghị quyết số 41/2017/QH14 ngày 20-6-2017 của Quốc hội quy định: “Trường hợp chất thu giữ được nghi là chất ma túy ở thể rắn đã được hòa thành dung dịch, chất ma túy ở thể lỏng đã được pha loãng, xái thuốc phiện hoặc thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần quy định tại các Điều 248, 249, 250, 251 và 252 của Bộ luật Hình sự năm 2015 thì phải xác định hàm lượng chất ma túy làm cơ sở để xác định khối lượng hoặc thể tích chất ma túy thu giữ được. Đối với các trường hợp khác thì thực hiện theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự số 101/2015/QH13.”.
Điều 206 của Bộ luật Tố tụng hình sự quy định: “Bắt buộc phải trưng cầu giám định khi cần xác định:
…5. Chất ma tuý…”.
Như vậy, trong trường hợp chất thu giữ đã được xác định là ma túy dạng MDMA, Methamphetamine và Methylphenidate thì không thuộc trường hợp phải giám định hàm lượng.
2. Trong vụ án mua bán trái phép chất ma túy, các đối tượng đã trộn ma túy ở thể rắn vào chất rắn khác, sau đó dập thành viên nén để bán. Qua giám định xác định chất thu giữ là chất ma túy nhưng hàm lượng ma túy thấp. Trường hợp này để xử lý hình sự thì căn cứ vào khối lượng chất thu giữ hay phải giám định hàm lượng để xác định khối lượng ma túy trong chất thu giữ.
Về nguyên tắc việc giám định để xác định chất ma túy, khối lượng và hàm lượng chất ma túy phải thực hiện theo đúng quy định tại Điều 206 của Bộ luật Tố tụng hình sự và điểm i khoản 1 Điều 2 Nghị quyết số 41/2017/QH14 ngày 20-6-2017 của Quốc hội.
Đối với trường hợp có căn cứ xác định đối tượng đã trộn ma túy với chất rắn khác để bán và qua giám định xác định chất thu giữ là chất ma túy nhưng hàm lượng ma túy thấp thì cần căn cứ và kết luận giám định về hàm lượng để xác định khối lượng chất ma túy làm cơ sở để xử lý hình sự.
Cũng cần lưu ý rằng, nếu theo kết luận giám định chất thu giữ ko phải là ma túy, nhưng người thực hiện hành vi mua bán, trao đổi… ý thức rằng đó là chất ma túy thì bị xử lý về tội mua bán trái phép chất ma túy theo quy định tại khoản 1 Điều 251 của Bộ luật Hình sự, nếu ko có các tình tiết định khung tăng nặng khác.
Trường hợp một người biết là chất ma túy giả nhưng làm cho người khác tưởng là chất ma túy thật nên mua bán, trao đổi… thì người đó không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội phạm về ma túy mà bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo Điều 174 của Bộ luật Hình sự, nếu thỏa mãn các dấu hiệu khác nữa trong cấu thành tội phạm của tội này.
3. Trường hợp thu được 02 chất ma túy trở lên, nhưng đều được quy định trong một điểm của điều luật (ví dụ Heroine và MDMA) thì có cộng tổng các chất ma túy và xử lý theo điểm đó hay xử lý theo điểm “có 02 chất ma túy trở lên mà tổng khối lượng hoặc thể tích của các chất đó tương đương với khối lượng hoặc thể tích chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ….khoản này”?
Trường hợp này đã được quy định tại Điều 4 và hướng dẫn tại Mục 1 Phụ lục của Nghị định số 19/2018/NĐ-CP ngày 02-2-2018, cụ thể:
“Trường hợp các chất ma túy đó đều được quy định trong cùng một điểm của khoản 2, 3, 4 Điều 248; hoặc trong cùng một điểm của khoản 1, 2, 3, 4 Điều 249; hoặc trong cùng một điểm của khoản 1, 2, 3, 4 Điều 250; hoặc trong cùng một điểm của khoản 2, 3, 4 Điều 251; hoặc trong cùng một điểm của khoản 1, 2, 3, 4 Điều 252 của Bộ luật Hình sự năm 2015, thì cộng khối lượng hoặc thể tích của các chất ma túy lại với nhau và đối chiếu với quy định về khối lượng hoặc thể tích của nhóm chất ma túy đó trong các khoản của điều luật được áp dụng để xác định tổng khối lượng hoặc thể tích của các chất ma túy thuộc trường hợp quy định tại khoản nào của điều luật được áp dụng.”
Ví dụ: Một người mua bán trái phép 03 gam Heroine, 03 gam Cocaine, 03 gam Methamphetamine, 20 gam Amphetamine và 20 gam MDMA. Tổng khối lượng các chất ma túy trong trường hợp này được xác định như sau:
Căn cứ quy định tại Điều 251 của Bộ luật Hình sự năm 2015 (Tội mua bán trái phép chất ma túy), thì Heroine, Cocaine, Methamphetamine, Amphetamine và MDMA là các chất ma túy được quy định trong cùng một điểm tại các khoản của Điều 251 của Bộ luật Hình sự năm 2015 (cụ thể gồm: điểm i khoản 2; điểm b khoản 3; điểm b khoản 4 Điều 251), vì vậy sẽ áp dụng quy định tại Điều 4 của Nghị định số 19 để tính tổng khối lượng của Heroine, Cocaine, Methamphetamine, Amphetamine và MDMA như sau:
- Cộng khối lượng của từng chất lại với nhau để xác định tổng khối lượng của 05 chất ma túy Heroine, Cocaine, Methamphetamine, Amphetamine, MDMA là: 03 gam + 03 gam + 03 gam + 20 gam + 20 gam = 49 gam.
- Đối chiếu tổng khối lượng của 05 chất ma túy với quy định tại điểm i khoản 2; hoặc điểm b khoản 3; hoặc điểm b khoản 4 Điều 251 của Bộ luật Hình sự năm 2015, thì trong trường hợp này tổng khối lượng của 05 chất ma túy tương đương với khối lượng Heroine, Cocaine, Methamphetamine, Amphetamine hoặc MDMA được quy định tại điểm b khoản 3 Điều 251 của Bộ luật Hình sự năm 2015.
- Xác định điểm, khoản, điều luật: Như vậy trong trường hợp này tổng khối lượng của 05 chất ma túy Heroine, Cocaine, Methamphetamine, Amphetamine và MDMA thuộc trường hợp quy định tại điểm h khoản 3 Điều 251 của Bộ luật Hình sự năm 2015, cụ thể: “h) Có 02 chất ma túy trở lên mà tổng khối lượng hoặc thể tích của các chất đó tương đương với khối lượng hoặc thể tích chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm a đến điểm g khoản này”.
Như vậy, trường hợp thu được 02 chất ma túy trở lên mà đều được quy định trong một điểm của điều luật thì áp dụng khoản tương ứng “có 02 chất ma túy trở lên mà tổng khối lượng hoặc thể tích của các chất đó tương đương với khối lượng hoặc thể tích chất ma túy quy định tại một trong các điểm…”.
4.Trường hợp đối tượng bị bắt quả tang bán ma túy. Qua điều tra thu được một lượng ma túy khác mà đối tượng này cất giấu trong nhà, đối tượng khai vừa để sử dụng vừa để bán thì xử lý đối tượng này về tội mua bán trái phép chất ma túy hay tội tàng trữ trái phép chất ma túy?
Trường hợp này phải căn cứ vào hành vi và ý thức chủ quan của người phạm tội để xem xét trách nhiệm hình sự. Nếu các hành vi đủ yếu tố cấu thành của 02 tội thì xem xét xử lý cả về 02 tội theo quy định của Bộ luật Hình sự. Trường hợp bắt được đối tượng mua bán trái phép chất ma túy, sau đó đối tượng khai có tàng trữ trái phép chất ma túy ở nhà để sử dụng thì xem xét xử lý đối tượng này về tội mua bán trái phép chất ma túy và tội tàng trữ trái phép chất ma túy. Trường hợp bắt được đối tượng mua bán trái phép ma túy, sau đó đối tượng tiếp tục khai còn tàng trữ ma túy trái phép chất ma túy ở nhà để mua bán thì cộng tổng khối lượng ma túy để xử lý về tội mua bán trái phép chất ma túy theo quy định của Bộ luật Hình sự.
GIANG HÀ