Quy chế công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc khởi tố, điều tra và truy tố (ban hành theo Quyết định số 111 /QĐ-VKSTC ngày 17/4/2020 của Viện trưởng VKSND tối cao) đã quy định cụ thể về thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp trong giai đoạn truy tố.
Đáng chú ý, Quy chế quy định chi tiết về tiếp nhận hồ sơ vụ án, bản kết luận điều tra và thụ lý vụ án, theo đó: Khi nhận được bản kết luận điều tra đề nghị truy tố và hồ sơ vụ án kèm theo vật chứng (nếu có) do Cơ quan có thẩm quyền điều tra chuyển đến, người nhận hồ sơ phải đối chiếu bảng kê tài liệu, vật chứng với các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và vật chứng (nếu có); kiểm tra việc giao bản kết luận điều tra cho bị can hoặc người đại diện của bị can theo quy định tại Điều 238 Bộ luật Tố tụng hình sự và xử lý như sau:
1. Nếu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và vật chứng (nếu có) chưa đầy đủ so với bảng kê tài liệu của Cơ quan có thẩm quyền điều tra hoặc bản kết luận điều tra chưa được giao cho bị can hoặc người đại diện của bị can thì chưa nhận hồ sơ vụ án và yêu cầu Cơ quan có thẩm quyền điều tra bổ sung tài liệu, vật chứng; yêu cầu giao bản kết luận điều tra cho bị can hoặc người đại diện của bị can;
2. Nếu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và vật chứng (nếu có) đủ so với bảng kê tài liệu của Cơ quan có thẩm quyền điều tra và bản kết luận điều tra đã được giao cho bị can hoặc người đại diện của bị can thì ký nhận và vào sổ thụ lý hồ sơ vụ án, ghi ngày nhận hồ sơ vào góc trên bên trái bìa hồ sơ và báo cáo ngay với lãnh đạo đơn vị, lãnh đạo Viện để chuyển hồ sơ vụ án cho Kiểm sát viên được phân công thụ lý giải quyết vụ án. Việc giao, nhận hồ sơ giữa người nhận hồ sơ với Kiểm sát viên phải ký xác nhận trong sổ thụ lý hồ sơ vụ án.
Về việc quyết định áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế, Quy chế nêu rõ:
1. Sau khi thụ lý hồ sơ vụ án, Kiểm sát viên kiểm tra ngay các biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế đang áp dụng và báo cáo, đề xuất lãnh đạo đơn vị, lãnh đạo Viện xem xét, quyết định việc áp dụng, thay đổi hoặc hủy bỏ biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế theo quy định của pháp luật.
2. Việc quyết định áp dụng, thay đổi biện pháp tạm giam cần lưu ý như sau:
a) Nếu thời hạn tạm giam để điều tra theo lệnh tạm giam của Cơ quan điều tra hoặc theo quyết định gia hạn tạm giam của Viện kiểm sát vẫn còn mà bằng hoặc dài hơn thời hạn quyết định việc truy tố quy định tại khoản 1 Điều 240 Bộ luật Tố tụng hình sự đối với tội phạm đang xem xét quyết định việc truy tố và xét thấy cần thiết phải tiếp tục tạm giam bị can trong giai đoạn truy tố thì Viện kiểm sát không phải ra lệnh tạm giam mới;
b) Nếu thời hạn tạm giam để điều tra theo lệnh tạm giam của Cơ quan điều tra hoặc theo quyết định gia hạn tạm giam của Viện kiểm sát vẫn còn, nhưng không đủ để hoàn thành việc truy tố thì trước khi hết thời hạn tạm giam ít nhất 05 ngày, Kiểm sát viên phải báo cáo, đề xuất lãnh đạo đơn vị, lãnh đạo Viện xem xét, ra lệnh tạm giam mới; thời hạn tạm giam còn lại và thời hạn tạm giam mới không vượt quá thời hạn quyết định việc truy tố quy định tại khoản 1 Điều 240 Bộ luật Tố tụng hình sự đối với tội phạm đang xem xét quyết định việc truy tố. Sau khi ra lệnh tạm giam mới, Viện kiểm sát giao ngay lệnh tạm giam cho bị can, cơ sở giam giữ nơi bị can đang bị tạm giam.
3. Trong thời hạn truy tố, nếu xét thấy cần thiết, Kiểm sát viên phải báo cáo, đề xuất lãnh đạo đơn vị, lãnh đạo Viện xem xét áp dụng hoặc hủy bỏ biện pháp cưỡng chế theo quy định tại các điều 126, 127, 128, 129 và 130 Bộ luật Tố tụng hình sự, cụ thể:
a) Khi gia hạn thời hạn quyết định việc truy tố mà thời hạn cấm đi khỏi nơi cư trú, tạm hoãn xuất cảnh, bảo lĩnh, đặt tiền để bảo đảm của bị can đã hết thì Viện kiểm sát ra lệnh, quyết định mới. Thời hạn áp dụng các lệnh, quyết định mới của Viện kiểm sát đối với bị can không quá thời hạn gia hạn thời hạn quyết định việc truy tố;
b) Nếu thời hạn cấm đi khỏi nơi cư trú, tạm hoãn xuất cảnh, bảo lĩnh, đặt tiền để bảo đảm của Cơ quan điều tra vẫn còn mà bằng hoặc dài hơn thời hạn quyết định việc truy tố theo quy định tại khoản 1 Điều 240 Bộ luật Tố tụng hình sự, mà xét thấy cần tiếp tục áp dụng các biện pháp ngăn chặn đó, thì Viện kiểm sát tiếp tục sử dụng lệnh, quyết định của Cơ quan điều tra.
Nếu thời hạn cấm đi khỏi nơi cư trú, tạm hoãn xuất cảnh, bảo lĩnh, đặt tiền để bảo đảm của Cơ quan điều tra vẫn còn nhưng không đủ thời hạn để hoàn thành việc truy tố, mà xét thấy cần tiếp tục áp dụng các biện pháp ngăn chặn đó, thì chậm nhất 05 ngày, trước khi hết thời hạn được ghi trong lệnh, quyết định, Viện kiểm sát phải ra lệnh, quyết định mới.
Đặc biệt, Quy chế đã quy định Viện kiểm sát tiến hành một số hoạt động điều tra trong giai đoạn truy tố, bao gồm:
1. Trong giai đoạn truy tố, Viện kiểm sát trực tiếp tiến hành một số hoạt động điều tra trong các trường hợp sau:
a) Khi phát hiện có dấu hiệu oan, sai, bỏ lọt tội phạm, vi phạm pháp luật mà Viện kiểm sát đã yêu cầu nhưng Cơ quan có thẩm quyền điều tra không thực hiện;
b) Khi cần kiểm tra, bổ sung tài liệu, chứng cứ để quyết định việc truy tố;
c) Khi Tòa án yêu cầu điều tra; bổ sung tài liệu, chứng cứ mà Viện kiểm sát xét thấy không cần thiết phải trả hồ sơ cho Cơ quan điều tra để điều tra bổ sung.
2. Khi trực tiếp tiến hành một số hoạt động điều tra, Kiểm sát viên được phân công thụ lý giải quyết vụ án phải thực hiện các hoạt động sau đây:
a) Trước khi tiến hành một số hoạt động điều tra, Kiểm sát viên phải xây dựng kế hoạch điều tra, báo cáo lãnh đạo đơn vị, lãnh đạo Viện xem xét, quyết định việc trực tiếp tiến hành một số hoạt động điều tra;
b) Trong quá trình điều tra, Kiểm sát viên tuân thủ quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự về căn cứ, thẩm quyền, trình tự, thủ tục tiến hành các biện pháp điều tra. Đối với vụ việc phức tạp, Kiểm sát viên có thể phối hợp với Điều tra viên để tiến hành một số hoạt động điều tra;
c) Kết thúc việc tiến hành hoạt động điều tra, Kiểm sát viên nghiên cứu, đánh giá tài liệu, chứng cứ, báo cáo lãnh đạo đơn vị, lãnh đạo Viện về kết quả điều tra.
3. Biên bản, tài liệu, chứng cứ do Kiểm sát viên lập, thu thập trong quá trình tiến hành một số hoạt động điều tra phải được đưa vào hồ sơ vụ án, lưu hồ sơ kiểm sát.
GIANG HÀ