Điều 14 Quy chế tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp (số 51/2016/QĐ-VKSTC-V12 ngày 02/02/2016 của VKSND tối cao; gọi tắt là Quy chế số 51) quy định xử lý đơn đề nghị kiểm tra lại quyết định giải quyết khiếu nại đã có hiệu lực pháp luật.
Theo đó, các trường hợp khiếu nại trong hoạt động tư pháp có quyết định giải quyết khiếu nại đã có hiệu lực pháp luật của VKS, nếu người khiếu nại tiếp tục gửi đơn với nội dung đã được giải quyết thì được xác định là “Đơn đề nghị kiểm tra lại quyết định giải quyết khiếu nại đã có hiệu lực pháp luật”.
Để kiểm tra lại các quyết định khiếu nại đã có hiệu lực pháp luật, VKS cần tiến hành các bước theo trình tự, thủ tục như sau:
1. Xác định loại đơn, điều kiện kiểm tra, xử lý đơn
Khoản 1 Điều 14 Quy chế 51 quy định: Đơn đề nghị kiểm tra lại quyết định giải quyết khiếu nại đã có hiệu lực pháp luật của VKS chỉ được xem xét kiểm tra khi có một trong những điều kiện sau: Đơn bức xúc, kéo dài; đơn về những vụ việc có dấu hiệu oan, sai; đơn có sự chỉ đạo xem xét của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước; đơn được các cơ quan báo chí và dư luận quan tâm; đơn có liên quan đến việc thực hiện nhiệm vụ chính trị ở Trung ương hoặc địa phương.
Sau khi xác định đơn đã đáp ứng điều kiện và thuộc thẩm quyền kiểm tra của mình, đơn vị Kiểm sát và giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp báo cáo Viện trưởng VKS cấp mình quyết định việc kiểm tra; nếu đơn thuộc thẩm quyền kiểm tra nhưng chưa đáp ứng điều kiện, thì lưu đơn để theo dõi, quản lý; nếu đơn thuộc thẩm quyền kiểm tra của VKS khác thì chuyển VKS có thẩm quyền, đồng thời báo tin cho người gửi đơn biết.
2. Trình tự kiểm tra
Theo Khoản 2 Điều 14 Quy chế 51: Đơn đề nghị kiểm tra lại quyết định giải quyết khiếu nại đã có hiệu lực pháp luật của VKS cấp dưới do VKS cấp trên trực tiếp kiểm tra, trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản này.
Đơn đề nghị kiểm tra lại quyết định giải quyết khiếu nại đã có hiệu lực pháp luật của VKS cấp tỉnh về hoạt động thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra vụ án hình sự; thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp trong giai đoạn truy tố; hoạt động kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam, thi hành án hình sự; kiểm sát việc thi hành án dân sự, thi hành án hành chính do VKSND tối cao kiểm tra.
Đơn đề nghị kiểm tra lại quyết định giải quyết khiếu nại đã có hiệu lực pháp luật của VKSND tối cao do VKSND tối cao kiểm tra.
3. Thủ tục kiểm tra
Đơn vị Kiểm sát và giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan tham mưu giúp Viện trưởng trong việc kiểm tra.
Việc kiểm tra có thể áp dụng các biện pháp sau: Kiểm tra lại hồ sơ giải quyết của cấp mình; yêu cầu VKS cấp dưới báo cáo việc giải quyết và gửi hồ sơ giải quyết để kiểm tra; tổ chức đối thoại với người khiếu nại, người bị khiếu nại, người giải quyết khiếu nại và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để nắm thông tin làm cơ sở kiểm tra; yêu cầu các cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin, tài liệu, chứng cứ có liên quan đến việc giải quyết khiếu nại; tiến hành xác minh, lấy lời khai, trưng cầu giám định hoặc biện pháp khác khi thấy cần thiết.
Kết thúc việc kiểm tra, VKS có thẩm quyền kiểm tra ban hành văn bản thông báo kết quả kiểm tra cho người đã gửi đơn và VKS được kiểm tra; trong trường hợp cần thiết thì thông báo cho cơ quan tổ chức, cá nhân có liên quan. Trường hợp quyết định giải quyết khiếu nại đã có hiệu lực pháp luật có vi phạm pháp luật nghiêm trọng hoặc có tình tiết mới làm thay đổi cơ bản nội dung giải quyết trước đó, thì VKS có thẩm quyền kiểm tra ban hành quyết định hủy bỏ quyết định giải quyết của VKS cấp dưới, yêu cầu VKS cấp dưới giải quyết lại... Việc kiểm tra và thông báo kết quả kiểm tra tại mỗi cấp kiểm sát chỉ thực hiện một lần.
Hữu Tiến - Tuấn Minh