VKSND tỉnh Phú Yên vừa ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị số 08/CT-VKSTC ngày 06/4/2016 của Viện trưởng VKSND tối cao về tiếp tục tăng cường công tác kháng nghị án hình sự.
Theo đó, kế hoạch nêu rõ mục đích, yêu cầu nhằm tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm án hình sự của Viện kiểm sát nhân dân hai cấp tỉnh và huyện theo quy định của Luật tổ chức VKSND năm 2014, Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015; thực hiện đạt và vượt chỉ tiêu về công tác kháng nghị phúc thẩm theo Nghị quyết số 37/2013/QH13, Nghị quyết số 111/2015/QH13 của Quốc hội và Hệ thống chỉ tiêu của Ngành. Tăng cường các biện pháp, nâng cao trách nhiệm, kỹ năng của Kiểm sát viên trong công tác kiểm sát bản án, quyết định của Toà án nhân dân hai cấp, nhằm kịp thời phát hiện vi phạm của Toà án để xem xét, quyết định kháng nghị, bảo đảm việc xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, góp phần ổn định an ninh trật tự, phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị của địa phương.
Các phòng 1,3,7 VKSND tỉnh và VKSND huyện, thị xã, thành phố tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm:
1. Quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc nhiệm vụ, quyền hạn của VKSND, đặc biệt là việc thực hiện quyền kháng nghị theo quy định của Luật tổ chức VKSND năm 2014, Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015; thường xuyên quan tâm, coi trọng công tác kháng nghị, coi đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử vụ án hình sự; bám sát các Chỉ tiêu nhiệm vụ trong Nghị quyết của Quốc hội và các chỉ tiêu của Ngành; đảm bảo số lượng và chất lượng kháng nghị hình sự.
2. Tiếp tục tăng cường công tác kháng nghị, tích cực chỉ đạo công tác kiểm sát bản án, quyết định của Tòa án, kịp thời phát hiện những vi phạm pháp luật trong hoạt động xét xử để kháng nghị theo thẩm quyền hoặc đề xuất với Viện kiểm sát cấp trên kháng nghị; kiên quyết kháng nghị nếu phát hiện có vi phạm và bảo vệ các kháng nghị có căn cứ, đúng pháp luật.
3. Khi ban hành kháng nghị phải đảm bảo chặt chẽ về hình thức, nội dung, thủ tục, thời hạn theo đúng quy định của pháp luật; việc bổ sung, thay đổi, rút kháng nghị trước khi mở phiên tòa phúc thẩm phải do Viện trưởng Viện kiểm sát ban hành kháng nghị quyết định.
4. Chấp hành nghiêm túc các quy định của Quy chế công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử các vụ án hình sự về việc gửi bản án, quyết định sơ thẩm của Tòa án; phiếu kiểm sát bản án, báo cáo kết quả xét xử, kháng nghị phúc thẩm cho Viện kiểm sát cấp trên.
5. Chú trọng việc rút kinh nghiệm những thiếu sót, hạn chế đối với từng trường hợp mà Viện kiểm sát rút kháng nghị hoặc kháng nghị của Viện kiểm sát không được Tòa án chấp nhận; rút kinh nghiệm về phát hiện vi phạm pháp luật khi kiểm sát bản án, quyết định của Tòa án. Đối với các bản kháng nghị có chất lượng tốt cần tổng hợp thông báo cho Viện kiểm sát cấp dưới tham khảo, rút kinh nghiệm.
6. Thực hiện chế độ thỉnh thị nghiệp vụ Viện kiểm sát cấp trên để quyết định kháng nghị ngang cấp hoặc đề nghị kháng nghị phúc thẩm trên một cấp đối với những vụ án phức tạp sau khi thảo luận trong tập thể lãnh đạo Viện hoặc Ủy ban kiểm sát. Đối với trường hợp Tòa án không chấp nhận kháng nghị của Viện kiểm sát không có căn cứ thì phải báo cáo đề nghị cấp giám đốc thẩm xem xét theo thẩm quyền. Viện kiểm sát cấp trên trước khi rút kháng nghị của Viện kiểm sát cấp dưới cần trao đổi, thông báo để Viện kiểm sát cấp dưới nắm được, bảo đảm thông tin hai chiều.
Về việc tổ chức thực hiện, kế hoạch xác định:
1. Lãnh đạo VKSND hai cấp tỉnh và huyện chủ động bố trí cán bộ, Kiểm sát viên có trình độ chuyên môn nghiệp vụ vững vàng, có năng lực làm công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử các vụ án hình sự. Kịp thời khuyến khích, động viên, khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích trong việc thực hiện công tác kháng nghị phúc thẩm đạt hiệu quả, chất lượng tốt.
2. Giao Phòng 7 VKSND tỉnh định kỳ (3 tháng, 6 tháng, 01 năm) tổng hợp thông báo rút kinh nghiệm về công tác kháng nghị phúc thẩm án hình sự; thực hiện việc sơ kết, tổng kết công tác kháng nghị; tập hợp những vi phạm pháp luật của Tòa án các cấp trong việc gửi bản án, quyết định, chuyển hồ sơ vụ án để kiến nghị khắc phục.
3. Trưởng phòng 1,3,7 VKSND tỉnh và Viện trưởng VKSND huyện, thị xã, thành phố có trách nhiệm triển khai, quán triệt thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 08/CT-VKSTC ngày 06/4/2016 của Viện trưởng VKSND tối cao và Kế hoạch này.
4. Văn phòng tổng hợp, Phòng tổ chức cán bộ và thanh tra VKSND tỉnh tham mưu, giúp lãnh đạo VKSND tỉnh theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện Kế hoạch đạt hiệu chất lượng, hiệu quả.
HỒ LƯU