Tiêu chuẩn để đánh giá cách ứng xử của con người đó chính là giá trị đạo đức. Do đó, xây dựng và rèn luyện một con người trước hết cần rèn luyện về đạo đức. Đối với người cán bộ thì cần xây dựng, rèn luyện đạo đức nghề nghiệp. Nghề nghiệp được hiểu là những hoạt động, những công việc đáp ứng những nhu cầu nhất định của xã hội. Nghề nghiệp được hình thành trong quá trình phân công lao động xã hội. Đạo đức nghề nghiệp được hiểu là những giá trị mà những người lao động trong nghề phải tuân theo và hướng tới trong hoạt động hành nghề của mình. Mỗi nghề nghiệp trong xã hội đều có những chân giá trị riêng và những chuẩn mực riêng.
Với nhiệm vụ đặc thù của Ngành, người cán bộ Kiểm sát cũng phải có những tiêu chuẩn đạo đức nhất định. Những tiêu chuẩn đó là những khuôn mẫu, nguyên tắc trong xử sự của người cán bộ Kiểm sát trong cơ quan, đơn vị cũng như khi tiếp xúc với những người khác để thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao. Như vậy, đạo đức nghề nghiệp của người cán bộ Kiểm sát là những tiêu chuẩn, nguyên tắc xử sự của người cán bộ Kiểm sát trong nội bộ cơ quan, đơn vị và trong quan hệ xã hội để thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo quy định của pháp luật.
Người cán bộ Kiểm sát muốn có đạo đức nghề nghiệp trong sáng phải luôn phấn đấu tự hoàn thiện mình về mọi mặt để hoàn thành nhiệm vụ. Đạo đức nghề nghiệp của cán bộ Kiểm sát không phải tự nhiên mà có mà phải do rèn luyện mới nên. Ý thức tôn trọng đạo đức nghề nghiệp của cán bộ Kiểm sát trước hết phải được thể hiện bằng việc rèn luyện và làm theo các chuẩn mực về đạo đức xã hội, đạo đức Cách mạng. Ý thức tôn trọng đạo đức nghề nghiệp của người cán bộ Kiểm sát thể hiện ở bản lĩnh và nghị lực của từng cán bộ, nhân viên trong ngành Kiểm sát.
Cần xây dựng và rèn luyện sao cho người cán bộ Kiểm sát phải là người cán bộ mang đạo đức cách mạng. Theo chủ tịch Hồ Chí Minh, đạo đức cách mạng không phải là một phạm trù chung chung mà là những tiêu chuẩn rất cụ thể cho cán bộ công chức nói chung và từng ngành nghề nói riêng.
Ngoài những phẩm chất đạo đức cần có của người cán bộ, công chức, do đặc thù công việc, hoạt động của người cán bộ Kiểm sát có thể ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, đến sinh mạng chính trị của con người nên người cán bộ Kiểm sát còn phải thấm nhuần đạo đức mà Bác Hồ đã dạy cán bộ Kiểm sát: “Công minh, Chính trực, Khách quan, Thận trọng, Khiêm tốn”. Công minh có nghĩa là công bằng và sáng suốt trong công việc. Chính trực nghĩa là ngay thẳng, theo đúng lẽ phải, không gian dối, thiên vị, không mờ ám, luôn coi trọng công việc. Khách quan nghĩa là luôn xuất phát từ thực tế khách quan, tôn trọng sự thật, không nhìn nhận, đánh giá một cách chủ quan, phiến diện, định kiến. Thận trọng nghĩa là cân nhắc, suy nghĩ cẩn thận, kỹ lưỡng để tránh những sai lầm khi giải quyết công việc. Khiêm tốn nghĩa là không tự kiêu, tự đại, tự mãn với bản thân, luôn có ý thức cầu thị, cầu tiến bộ, luôn phấn đấu, học tập để tiếp tục vươn lên; không đề cao bản thân, không coi thường người khác.
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói “Có tài mà không có đức là người vô dụng, có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó”. Đó chính là chân lý. Vì thế, khi xây dựng được chữ “Đức” thì người cán bộ Kiểm sát cần phải ra sức học tập, rèn luyện; không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, năng lực công tác, nắm vững kiến thức pháp luật để có được chữ “Tài”. Để thực hiện nhiệm vụ thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp; cán bộ Kiểm sát phải lấy pháp luật làm căn cứ để hoạt động kiểm sát. Hơn ai hết, cán bộ Kiểm sát phải là những người nắm vững kiến thức pháp luật và có trình độ chuyên môn nghiệp vụ vững vàng để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Do vậy, cán bộ Kiểm sát phải thường xuyên học tập để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và kỹ năng công tác.
Trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế và trước các yêu cầu của cải cách tư pháp, việc nâng cao trình độ chuyên môn và các kiến thức bổ trợ cho cán bộ Kiểm sát đang được đặt ra như một nhu cầu tất yếu. Vì vậy, cán bộ Kiểm sát phải chú trọng việc học tập, nâng cao trình độ cả chuyên môn nghiệp vụ và lý luận chính trị, pháp luật trong nước và quốc tế, ngoại ngữ, tin học… để thực hiện nhiệm vụ đạt hiệu quả cao nhất.
Xác định được tầm quan trọng của việc xây dựng hình ảnh người cán bộ Kiểm sát thời gian qua, Lãnh đạo VKSNDTC đã phát động và đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động xây dựng người cán bộ Kiểm sát “Vững về chính trị, giỏi về nghiệp vụ, tinh thông về pháp luật, công tâm và bản lĩnh, kỷ cương và trách nhiệm” gắn với việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Cuộc vận động đã mang lại những hiệu quả nhất định. Nhiều tấm gương sáng, tiêu biểu trong ngành Kiểm sát đã được nêu lên; đã thể hiện được vị thế của Ngành, mang lại niềm tin cho Đảng, Nhà nước và nhân dân.
Có tài sẽ được người trọng dụng. Có đức sẽ được người mến phục. Hy vọng công tác xây dựng hình ảnh người cán bộ Kiểm sát đủ đức, đủ tài sẽ góp phần cho những đóng góp của ngành KSND vào công cuộc đổi mới đất nước, góp phần quan trọng để bảo vệ pháp luật, bảo vệ công lý, bảo vệ quyền làm chủ của nhân dân, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh như Hiến Pháp nước ta đã khẳng định.
Nguồn: Tạp chí Kiểm sát